BÍ QUYẾT CHĂM SÓC HOA MAI NỞ ĐẸP, ĐÚNG MÙA NHƯ Ý MUỐN

Hà Nội , ngày 27 tháng 08 năm 2019   

 

  Hiếm có loài hoa nào được cả sắc, hương, dáng vẻ như hoa mai. Màu hoa rực rỡ lộng lẫy, hương hoa thanh nhã ngọt ngào. Chẳng thế mà không biết từ bao giờ, hoa mai đã trở thành biểu tượng của mùa Xuân ở các tỉnh phía Nam. Mỗi dịp Tết đến xuân về, đặc biệt ở vùng đồng bằng SCL, trước cửa nhà nào cũng có trồng một vài cây mai vàng tô điểm đón năm mới, như một minh chứng cho sự tài lộc của một năm vừa qua và đón chào một năm may mắn sắp tới.

Để có một chậu mai hoa nở to, đều đẹp và đúng dịp như ý muốn, đòi hỏi người trồng cần nắm được một số yêu cầu về kỹ thuật trồng và chăm sóc mai vàng một cách khoa học.

Mai vàng là biểu tượng cho sự tài lộc _ Hình ảnh sưu tầm

I. Những yếu tố ngoại cảnh cần lưu ý

  1. Nhiệt độ

Mai là loại cây có thể chịu được nhiệt độ cao trong nhiều ngày, nhiều tháng, thích hợp với khí hậu nóng ấm (từ 25o – 30Oc). Ở những nơi có nhiệt độ thấp (dưới 10oC) mai sinh trưởng kém, còi cọc, khó ra hoa. Vì vậy, người trồng mai kiểng cần chú ý đến môi trường sống của mai.

  2. Chuẩn bị đất

Mai là loại cây có thể trồng trên nhiều loại đất như đất thịt, đất cát pha, đất sét pha, đất phù sa, đất đỏ bazan, thậm chí đất đá sỏi vẫn trồng mai được. Có thể thấy cây mai không quá kén đất trồng, miễn đất đó không phải đất chết, đất không quá nghèo nàn dinh dưỡng là được. Mai là loại cây kỵ đất bị úng thủy, thường xuyên ngập lụt. Rễ mai dài, hút nhiều nước, vì vậy nếu đất có quá nhiều nước trong thời gian dài sẽ khiến rễ cây bị thúi khiến cây héo úa và chết dần. Nếu trồng mai ở những vùng đất thấp, bạn nên làm rãnh thoát nước để rễ cây không bị thối do ngập úng khi trời mưa.

 3. Phân bón

Trồng mai phải bón phân, nhất là đối với những cây mai trồng ở trong chậu. Bón phân phù hợp giúp cây mai sinh trưởng tốt, cành lá sung mãn, nụ hoa sẽ ra nhiều.

Có thể bón phân theo những giai đoạn sau:

Bón phân lót

Bón phân sau khi tỉa cành tạo dáng

Bón phân mùa mưa

Bón phân sau khi kết thúc mùa mưa

Mỗi tháng bón 2-3 lần, nếu cây ra lá, cành lá xum xuê là cây đã đủ dinh dưỡng, phát triển tốt. Nếu thấy lá quá đậm thì giảm số lượng phân bón và số lần bón xuống. Mùa mưa kết thúc vào khoảng giữa tháng 11 dương lịch. Lúc này, người trồng mai tiến hành xem lại dáng cây, cành lá đã thỏa mãn chưa. Có thể tỉa lại một lần nữa rồi chỉ tưới nước dưỡng cây, ngừng bón phân để chuẩn bị xiết nước, tuốt lá.

 4. Nước

Mai không ưa nước quá nhiều, tuy nhiên mùa nắng cần tưới nước cho cây hàng ngày để giữ đất đủ ẩm. Vào mùa mưa, lưu ý tiêu thoát nước cho đất để rễ cây không úng, chỉ tưới nước khi thấy đất khô.  Nếu trồng mai trong chậu, cần tưới nước nhiều lần hơn. Không nên tưới quá nhiều nước vào chiều tối vì độ ẩm quá cao vào ban đêm dễ phát sinh sâu bệnh hại, vì vậy nên tưới vào sáng sơm hoặc chiều mát.

Trồng mai cần bón phân, nhất là đối với cây mai trồng trong chậu.

    II.Kỹ thuật trồng và chăm sóc mai nở hoa to, đẹp theo ý muốn

Bí quyết chăm sóc mai nở hoa to, đẹo theo ý muốn nằm ở 03 yếu tố chính: Bón phân – Xiết nước – Tuốt lá.

  • Bón phân: Khi cây mai trưởng thành, cần hạn chế cá loại phân có hàm lượng đạm (N) cao. Từ giữa đến cuối tháng 11, người trồng mai cần dừng hoàn toàn bón phân vào gốc để chuẩn bị cho giai đoạn tuốt lá.
  • Xiết nước: Thời điểm dừng hoàn toàn bón phân vào gốc cần đồng thời hạn chế tưới nước vào gốc cho cây. 2-3 ngày trước khi tuốt lá ngừng tưới nước hoàn toàn cho cây. Khi lá đanh lại, gân lá hoàn toàn nổi lên thì bắt đầu tuốt lá. Sau đó tưới nước đẫm cho lá để phục hồi.
  • Tuốt lá : cần lưu ý thời tiết dự báo nắng ấm thì mai sẽ nở sớm. Do vậy, nếu thấy mai sung sức, đã có nụ lớn cần tuốt lá vào khoảng 18 – 20 tháng Chạp. Ngược lại, dự báo thời tiết rét kéo dài, cây mai không sung sức, mới xuất hiện nụ nhỏ cần tuốt lá vào khoảng 13-16 tháng Chạp. Đây là cách tuốt lá với mai năm cánh, đối với mai nhiều cánh cần tuốt lá sớm hơn từ 4 – 6 ngày.

Thời điểm 23 tháng Chạp, có thể dự đoán hoa nở đúng Tết bằng cách quan sát hoa cái: nếu thấy hoa cái bung vỏ lụa, chắc chắc hoa nở đúng Tết, nếu hoa cái chưa bung vỏ lụa, mai có thể nở muộn. Lúc này, cần xiết nước cho cây. Xiết nước thúc mai nở nhanh đón đúng Tết bằng cách, đem phơi mai ở ngoài nhiều nắng vài ngày, sau đó tưới nước thật đẫm trở lại bằng nước ấm (45 – 50o) và phun phân bón lá.

  III.Lưu ý khi trưng hoa mai trong những ngày Tết

 1. Nhiệt độ

Để hoa mai nở đẹp, bền, chơi lâu trong những ngày Tết, cần lưu ý đến nhiệt độ môi trường trưng bày mai.  Nên tránh đặt mai gần bóng đèn có công suất lớn sẽ làm tăng nhiệt độ khiến mai nở nhanh chóng tàn.

Nên để chậu mai ở nơi thoáng mát, không nên đặt ở chỗ gần quạt hay có gió lùa sẽ làm mai mất nước, rụng hoa sớm.

  2 Ánh sáng

Chậu mai nên đặt ở những nơi đủ sáng, không nên đặt ở nơi thừa sáng, nhiều ánh mặt trời cũng có thể làm mai nở nhanh, chóng tàn. Ngược lại, nếu để mai chỗ quá tối, cây mai không đủ ánh sáng để quang hợp, lá sẽ ra nhanh khiến hoa rụng sớm.

  3. Một vài lời khuyên:

  • Cây mai là một loài hoa sang quý, vì vậy để có một chậu mai đẹp cả dáng vẻ lẫn sắc hương, người chăm mai phải có kiến thức đúng khoa học trong quá trình trồng mai.
  • Không nên sử dụng thuốc kích thích cho cây hoa mai, bởi cây bị phun thuốc kích thích hoa sẽ không thơm.

 

                                                                             CÔNG TY CỔ PHẦN PHÂN LÂN NUNG CHẢY VĂN ĐIỂN

Bài viết liên quan

CBTT số 155, 156 BC tài chính

– Xin mời quý vị nhấn vào link sau để đọc tài liệu : CBTT...

Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển: Âm vang khúc ca người thợ năm 2024

Công ty Cổ phần Phân lân Văn Điển tổ chức Hội diễn văn nghệ...

Phân bón Văn Điển – lựa chọn thông thái của nông dân thời đại 4.0

Những ngày đầu xuân, năm mới Giáp Thìn ở các tỉnh phía Bắc có...