Bón phân Văn Điển cho mía xứ Thanh
Là cây trồng có khả năng tạo ra lượng sinh khối rất lớn, chỉ trong vòng chưa đầy một năm 1ha mía có thể cho từ 70 – 100 tấn mía cây chưa kể lá và rễ. Vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của cây mía rất lớn. Trung bình năng suất 80 tấn/ha mía cây cần 96kg N; 37kg P2O5; 115kg K2O và một lượng khá lớn canxi, magiê.
Như vậy mía có nhu cầu rất cao về đạm, đặc biệt là kali, với hệ số sử dụng phân bón khoảng 40% thì cần bón cho mía tối thiểu 1ha: 240kgN, 290kg K2O; tương đương 520kg urê và 485 kali clorua. Thiếu đạm và kali năng suất giảm tương ứng từ 35 – 37%, thiếu lân giảm 21%, thiếu canxi giảm 13%, thiếu Mg giảm 14%.
Ngoài ra các chất vi lượng cũng rất cần thiết giúp cây tăng năng suất, tăng sức chống chịu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bón cân đối NPK làm tăng năng suất 3,3 – 16,4 tấn/ha trên đất phù sa.
Bón cân đối đạm và kali còn hạn chế mất đường khi thu hoạch chậm. Bón nhiều đạm không cân đối với kali thì làm giảm lượng đường. Phân bón chiếm tới 50% các yếu tố cấu thành năng suất mía, phân bón góp phần điều chỉnh quá trình sinh trưởng, quá trình tích lũy đường và khả năng chống chịu với gió bão, sâu bệnh…
Do đặc điểm sinh trưởng, phát triển; yêu cầu đất đai và phân bón của cây mía như trên nên đại đa số bà con nông dân tỉnh Thanh Hóa đã chọn phân Văn Điển bón cho mía rất hiệu quả.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có diện tích mía lớn nhất cả nước 27.745ha. Đất trồng mía chủ yếu trên đất đồi, bãi, đất chua độ pH từ 4,8 – 5,6. Đất đồi, bãi là đất cao, dốc… phân bón dễ bị rửa trôi, nếu bón loại lân tan nhanh sẽ càng bị rửa trôi nhiều. Lân tan nhanh sau khi bón gặp nước sau 48 giờ phân tan hết. Lân Văn Điển là loại lân chậm tan, chỉ tan trong dung dịch axit yếu do rễ cây tiết ra, cây cần đến đâu phân hòa tan đến đó nên hạn chế bị rửa trôi.
Phân có tính kiềm với tỷ lệ canxi (vôi) tương đối cao nên rất phù hợp với đất chua để cải tạo và nâng dần độ pH của đất. Là phân đa yếu tố vì ngoài dinh dưỡng, lân còn có các chất trung, vi lượng. Thành phần dinh dưỡng trong lân Văn Điển: P2O5: 15 -17%; CaO: 28 – 34%; MgO: 15 – 18%; SiO2: 24 – 30% và các chất vi lượng: B, Mn, Cu, CO, Zn, Fe…
Như đã nêu ở trên các chất trung, vi lượng rất cần thiết cho các loại cây trồng, trong đó có cây mía, giúp tăng năng suất chất lượng, tăng sức chống chịu. Ngoài ra còn có tác dụng cải tạo và nâng cao độ màu mỡ của đất. Thiếu canxi năng suất giảm 13%, thiếu Mg giảm 14%.
Canxi còn có tác dụng khử và trung hòa các chất độc hại. Những vùng trồng mía tập trung qua nhiều năm canh tác do không được đầu tư phân hữu cơ, bón nhiều phân hóa học làm cho đất ngày càng chai cứng, nghèo kiệt, độ chua tăng, thiếu các chất trung, vi lượng; các chất độc hại như Fe, Al di động, đạm dư thừa tồn dư dưới dạng urê tích tụ trong đất ngày càng nhiều gây ngộ độc rễ làm cây hấp thụ dinh dưỡng khó khăn.
Như vậy lân Văn Điển chậm tan, tính kiềm và đa chất dinh dưỡng sẽ có tác dụng khử chua, giải độc, bồi bổ đất lại tiết kiệm được phân bón.
Các loại phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dụng bón cho các loại cây trồng trong đó có phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dụng bón cho mía do thành phần chính có lân Văn Điển nên cũng có tính năng và tác dụng như vậy. Nó khác với một số loại phân NPK thông thường là ngoài đạm, lân, kali còn có các chất trung, vi lượng. |
Hiệu quả của phân Văn Điển đã được kiểm nghiệm qua các mô hình trình diễn và qua thực tế sản xuất đã được bà con nông dân ghi nhận. Điển hình là mô hình trình diễn bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển của gia đình ông Đào Văn Hậu ở phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn thuộc Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung.
Mô hình làm trên đất đồi, vụ mía tơ giống Ru mông (R579), diện tích 10.000m2 chia làm 2 công thức: Bón phân Văn Điển (NT1): 5.000m2, bón phân theo cách phổ biển hiện nay (NT2): 5.000m2. Thời gian thực hiện từ tháng 2/2016 đến tháng 2/2017.
Phương pháp thực nghiệm: Công thức NT1 bón lót phân vi sinh 350kg, NPK 5-10-3 (dạng vê viên) Văn Điển 750kg, lân Văn Điển 500kg, thuốc sâu dạng hạt 10kg. Bón thúc lần 1 khi mía 5 – 6 lá: NPK 12-8-12 (dạng vê viên) Văn Điển 200kg. Lần 2 khi mía bắt đầu vươn lóng, NPK 12-8-12 Văn Điển 300kg. Lần 3 khi mía có 3 – 5 lá, NPK 12-8-12 Văn Điển 250kg.
Công thức NT2: Bón lót phân vi sinh 350kg, NPK thông thường 500kg, lân thông thường 500kg, thuốc sâu dạng hạt 10kg. Bón thúc lần 1 NPK 16-16-8 thông thường 150kg, đạm urê 100kg, kali 75kg. Lần 2 NPK 16-16-8 thông thường 300kg, đạm urê 100kg, kali 100kg.
Kết quả thực nghiệm: Về sinh trưởng, phát triển. Từ khi trồng đến đẻ nhánh 2 công thức không có sự khác biệt lớn. Từ đẻ nhánh đến vươn lóng, công thức bón phân Văn Điển (NT1) cây mía có bản lá dày, màu xanh thẫm, lá màu mỡ có sức sống, giữ màu lá đến khi thu hoạch. Ngược lại công thức bón phân thông thường (NT2) bản lá mỏng nhỏ, có màu xanh thẫm song càng về giai đoạn cuối năm các tầng lá bánh tẻ chuyển dần sang màu xanh vàng và xuống màu khi thu hoạch.
Độ phóng gióng giai đoạn đầu 2 công thức phát triển ngang nhau, từ tháng 11 trở đi mía ở công thưc NT2 không phát triển chiều cao, ngược lại mía ở công thức NT1 vẫn phát triển và vươn lóng đến cuối tháng 12.
Khi thu hoạch công thức bón phân Văn Điển cây mía ruột đặc, mịn, nặng và ngọt hơn; ngoài ra còn cứng cây ít đổ. Về chiều cao cây NT1: 2,8m; NT2: 2,67m; độ Brix NT1: 21,4; NT2: 19,6; chữ lượng đường: NT1: 10,7; NT2: 9,8; năng suất tấn/ha: NT1: 106, NT2: 94. Công thức bón phân Văn Điển nhiễm sâu bệnh như: khô vằn, đục thân, rệp… ít hơn nên giảm chi phí bảo vệ thực vật.
Nhận xét chung: Bón phân Văn Điển năng suất tăng 12 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn 10,669 triệu đồng/ha.
Với kết quả như vậy bà con nông dân nên mở rộng diện tích bón phân Văn Điển cho mía góp phần hạn chế tác hại bởi thiên tai, sâu bệnh, tăng năng suất chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Bài viết liên quan
Hồ sơ yêu cầu cung cấp dịch vụ vận chuyển sản phẩm phân bón năm 2025
– Xin mời quý vị nhấn vào link sau để đọc tài liệu : ...
Thư mời báo giá cung cấp phân đạm SA ( Xuất xứ Trung Quốc )
– Xin mời quý vị nhấn vào link sau để đọc tài liệu : Báo...
Thư mời báo giá cung cấp phân đạm Ure
– Xin mời quý vị nhấn vào link sau để đọc tài liệu : Báo...
Thư mời báo giá “Cung cấp vật tư sắt thép” cho Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển
– Xin mời quý vị nhấn vào link sau để đọc tài liệu : Thư...