Mùa đông không phải là lúc cây vải nghỉ ngơi thụ động. Chúng cần dưỡng sức sau một năm “lao lực” và cần được bồi bổ bằng phân hữu cơ, hoặc phân lân Văn Điển, phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển, cùng kỹ thuật hạn chế ra lộc đông, để cây tiếp tục cho vụ mùa “bùng nổ” vào năm sau.
Ưu thế lớn nhất của cây vải là tính thích ứng mạnh, dễ trồng, ưa đất hơi chua và cao ráo. Vải thuộc nhóm cây lá xanh quanh năm, là cây đa dụng: Vừa ăn quả, vừa cho bóng mát vừa làm cảnh quan. Trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, cây xanh lấy năng lượng mặt trời tổng hợp thành chất hữu cơ tạo năng suất cây trồng. Khi thiếu nắng hoặc thời tiết rét, khô, cây không quang hợp được nhưng vẫn phải hô hấp để duy trì sự sống nên tiêu tốn chất hữu cơ. Đây là lãng phí dinh dưỡng của nhóm cây lá xanh quanh năm. Vì vậy, nhóm này thường có hiện tượng “ra quả cách năm”, tức là năm ra quả, năm không ra quả, năm ít quả, năm nhiều quả. Theo các chuyên gia nông học, muốn được mùa quả vải phải vượt qua 2 cửa ải: Ra được đọt hoa và đậu được quả.
Riêng việc điều chỉnh ra hoa đối với cây vải khá khó khăn, phần nhiều tác động bằng dinh dưỡng và một số yếu tố ngoại cảnh vào thời kỳ trước ra hoa.
Cây vải cần “hồi sức tích cực” sau mùa hái quả
Nhãn, vải đều thuộc loại cây ra “quả đầu cành”, cho nên các cành bánh tẻ ra từ lộc thu năm trước sẽ là cành mang quả vụ năm sau. Nếu cành khỏe và bánh tẻ thì vào mùa xuân tới, hoa sẽ nở trên đầu cành. Nếu mùa đông đã ra chồi lá thì mùa xuân không ra hoa. Do vậy để mùa xuân tới cây ra được nhiều hoa thì trước hết phải chuẩn bị được nhiều cành mùa thu năm trước, cành đủ tuổi và sung sức. Điều đó phụ thuộc trước hết vào khâu chăm sóc sau khi thu quả.
Cây vải sau một năm cho hoa ra quả, sau khi thu hoạch, cành lá bị rơi rụng theo là thời kỳ cây bị hao kiệt vật chất nhất. Từ kết quả nghiên cứu của cac chuyên gia nông nghiệp, sau khi thu hoạch quả thì rễ là bộ phận bị mất lực nhiều nhất, rồi đến lá, cành. Do vậy, đồng thời với việc bấm cành tỉa tán cây là việc chăm sóc phục hồi bộ rễ. Phân lân và các dinh dưỡng trung, vi lượng là nhu cầu lớn nhất trong giai đoạn này.
Theo phân tích của kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh, nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, trong các loại phân bón hiện nay, ngoài phân hữu cơ ra, chỉ có phân lân nung chảy Văn Điển và các sản phẩm phân đa yếu tố NPK có thể đáp ứng được nhu cầu trên cho cây trồng: Dinh dưỡng dễ tiêu trong phân lân nung chảy Văn Điển có: lân (P2O5): 15-19%, magie (MgO): 15-18%, silic (SiO2): 24-32%, vôi (CaO): 28-34%, và nhiều chất dinh dưỡng vi lượng khác như sắt (Fe), mangan (Mn), đồng (Cu), kẽm (Zn), bo (B), molipden (Mo)… Phân bón đa yếu tố NPK 5.10.3 có hàm lượng các chât dinh dưỡng như: N=5%; P2O5=10%; K2O=3%; S=2%; MgO=9%; CaO=15%; SiO2=14%; ngoài ra có các chất vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co… mà các loại phân bón khác không có đủ. Đây là loại phân bón rất tốt cho cây ăn quả, đặc biệt chăm bón giai đoạn sau thu quả.
Cách bón phân để nuôi dưỡng “lộc hè” và “lộc thu”
Để năm sau ra được hoa quả bình thường, kinh nghiệm chăm sóc dân gian là phải tiến hành “bón bù” hay “bón đền” cho thời kỳ sau thu hoạch. Các kỹ thuật như tỉa cảnh, tạo tán, bón phân trả lại sức khỏe cho cây, đảm bảo sự phục hồi, sinh trưởng, phát triển sau 5 – 6 tháng nuôi quả để tiếp sức cho ra quả vụ sau.
Căn cứ vào thời điểm thu hoạch và sức khỏe của cây trong vụ vừa qua, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh khuyến cáo cần tác động vào lứa lộc hè hoặc lộc thu như sau:
– Bón thúc cho lộc hè: Đây là đợt bón quan trọng nhằm giúp cây vải phục hồi lại sức sau một mùa cho quả, đặc biệt là nhưng cây sai quả. Cần chủ động bón sớm ngay sau khi thu quả (vào cuối tháng 6, đầu tháng 7). Bón phân khi đất được tưới ẩm 65-70% độ ẩm đồng ruộng. Lượng bón cho một cây gồm có phân chuồng 30-50 kg; + 3-5kg phân lân nung chảy Văn Điển và từ 1-3kg phân bón đa yếu tố NPK 5:10:3 hoặc 10:7:3 để kích thích ra lộc (lượng bón cụ thể tuỳ vào tuổi cây, năng suất thu hoạch vụ vừa qua và độ phì của đất). Phân được bón sâu 5-10cm quanh hình chiếu tán cây. Đợt bón này kết hợp với tỉa cành la, cành vóng, cành bị sâu, bệnh hại làm cho tán cây thông thoáng hạn chế sâu, bệnh hại.
– Bón thúc cho lộc thu: Lộc thu được hình thành trên nách lá của lộc hè, là cành quả của vụ vải năm sau, do vậy cần bón phân điều chỉnh sao cho lộc thu ra kết thúc trước ngày 15-11 hàng năm. Bón phân thúc lộc thu vào tháng 9, sau khi lộc hè đã thành thục (thành lá bánh tẻ), bón 2-3kg phân đa yếu tố NPK 10:7:3 kết hợp đốn, tỉa bỏ cành tược (cành vượt) trong tán.
Nhà nông cần lưu ý 5 điểm sau đây:
* Chỉ nên bón cho lộc thu đối với những cây dưới 15 năm tuổi, có biểu hiện thiếu phân, sinh trưởng kém (biểu hiện lá có màu xanh vàng).
* Tùy tình hình sinh trưởng của cây mà bón phân lượng nhiều ít;
* Nếu trời khô hạn, phải kết hợp tưới nước giúp cây nhanh hồi phục và sớm phát triển lứa lộc thu.
* Khi lộc thu ra đều, cần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cho lứa lộc ra đều và nhiều, lộc non sinh trưởng khỏe, đủ sức làm cành nuôi quả năm tới.
* Trong những tháng mùa đông, không được tưới nước, bón phân, mà tạo mọi điều kiện cho cây “cằn cỗi”, để kìm hãm sự hình thành và phát tiển lứa lộc đông.
Cách hạn chế và diệt lộc đông sớm trên cây vải
Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chủ yếu trồng giống vải thiều. So với các giống vải nhỡ (vải lai) thì vải thiều quả nhỏ hơn, cùi dày, hạt nhỏ hơn, nhưng ngon, ngọt hơn… Song, giống vải thiều rất mẫm cảm với không khí lạnh và khô. Rét đậm, rét hại lại là tác nhân số một giúp vải thiều ra hoa. Nếu mùa đông ít rét hoặc có vài trận mưa là đủ cho vải ra lứa lộc đông. Cần hạn chế và diệt lộc đông sớm (chủ yếu đối với những cây sinh trưởng mạnh lá xanh tốt, khi gặp mưa có độ ẩm đất cao vào tháng 11 trở đi): Nếu cây vải ra lộc đông thì sẽ không ra hoa, ra quả vụ xuân.
Kinh nghiệm của nông dân trồng vải Bắc Giang xử lý việc này như sau:
– Cuốc thành rãnh sâu 35-40 cm, rộng 20-30 cm quanh hình chiếu của tán cây nhằm làm đứt bớt bộ rễ hút của cây, hạn chế dinh dưỡng cung cấp cho cây, nhằm làm cây “bị chột” không ra được lộc đông.
– Khoanh vỏ trên thân cành. Dùng dao sắc hay cưa vanh khoanh từ 1-4 vòng quanh thân cành (tuỳ màu sắc xanh tốt của bộ lá, nhưng chú ý để một cành không khoanh vỏ, nối liền lá với thân và bộ rễ để cung cấp thức ăn hạn chế cho cây) nhằm làm giảm quá trình luân chuyển giữa phân khoáng và nước “dòng nhựa nguyên” từ dưới lên và chất hữu cơ “dòng nhựa luyện” từ trên chuyển xuống, có tác dụng làm hạn chế quá trình phát lộc đông.
Trong trường hợp bất khả kháng, cây vải vẫn ra lộc đông thì cần diệt lộc đông sớm. Để diệt lộc đông sớm, những lộc đông ra sau ngày 10-11 hàng năm, có thể dùng hoá chất diệt trừ. Có nhiều loại hoá chất diệt lộc non như nước muối ăn (NaCl), nước phân đạm, kali, thuốc diệt cỏ… Theo kinh nghiệm của bà con nông dân huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) thì tốt nhất nên dùng Ethrell (C2H4) có trong thuốc dấm hoa quả của Trung Quốc. Chất Ethrell dùng với nồng độ vừa phải có tác dụng làm thui lộc non, không ảnh hưởng tới các lá bánh tẻ, lá đã sinh trưởng thành thục như một số hoá chất khác. Ngoài tác dụng làm thui lộc đông, Ethrell còn có tác dụng quan trọng nữa là làm ức chế pha sinh trưởng của cây (quá trình sinh trưởng thân lá) và kích thích pha phát triển (quá trình sinh trưởng sinh thực hay ra nụ, hoa, quả).
Sang xuân, tiết trời ấm và ẩm, cây vải bắt đầu nảy lộc xuân. Chỉ tiến hành bón phân thúc cho vải khi thấy nhú mầm hoa ở nách lá đầu cành, lượng bón khoảng 3-5kg phân ĐYT NPK 10:7:3. Vùi lấp kín phân, sau đó tưới ẩm để kích thích ra nụ, ra hoa.
Phân lân nung chảy Văn Điển và các sản phẩm phân đa yếu tố NPK chuyên dùng Văn Điển đã đồng thời cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây vải, giúp cây sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với ngoại cảnh bất thuận, đặc biệt trong giai đoạn nghỉ đông; cây vải cân đối sinh trưởng với phát triển tạo ra những mùa vải bội thu.
↔ Bảng giá sản phẩm : https://vandienfmp.vn/bang-gia-phan-bon
↔ Liên hệ mua hàng : Đại Lý Bán Hàng
↔ Điện thoại : 023.688.4489, 023.688.5174 Fax: 023.688.4277
↔ Liên hệ fanpage công ty : https://www.facebook.com/vandienfmp.vn/
Trọng Hòa – Nam Phong
Nguồn : Langmoi.vn