Hiệu lực phân lân vùng duyên hải miền Trung
Hà Nội , ngày 31 tháng 5 năm 2019
* Dải đất ven biển miền Trung là vùng có chất đất chủ yếu là pha cát bạc màu, phần lớn đất chua pH từ 4,2 – 4,6, nghèo mùn, lân dễ tiêu thấp, làm hạn chế năng suất cây trồng.
Phân bón phù hợp vùng cát bạc màu ven biển
Trong 3 nguyên tố dinh dưỡng chính đối với cây trồng, sau đạm thì lân được xem là yếu tố quan trọng. Nhiều nghiên cứu trên phạm vi cả nước nói chung và các tỉnh duyên hải miền Trung nói riêng đã đi đến kết luận, lân là yếu tố hạn chế trên một số loại đất và cây trồng trong vùng.
Trong các nguồn phân lân trong nước, bên cạnh supe lân còn có lân nung chảy là một dạng phân đa thành phần, đáp ứng tốt các yêu cầu dinh dưỡng của cây và thích hợp đối với đất Việt Nam.
Chính vì vậy, nghiên cứu về hiệu lực của các dạng phân lân đối với cây trồng tại vùng duyên hải miền Trung nhằm tìm ra được lượng bón kinh tế nhất làm cơ sở cho khuyến cáo sử dụng là cần thiết.
Nhằm mục tiêu tìm ra loại phân bón phù hợp, trong thời gian 3 năm (2010 – 2013), các tác giả đã nghiên cứu, xác định hiệu lực của phân lân Văn Điển đối với cây trồng tại vùng duyên hải miền Trung và tìm ra được lượng bón kinh tế nhất làm cơ sở cho khuyến cáo sử dụng.
Thí nghiệm được tiến hành trên 5 loại đất: (i) Đất đỏ bazan trồng lạc tại huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên; (ii) Đất phù sa trồng lạc tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; (iii) Đất xám bạc màu trồng lạc tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; (iv) Đất phù sa trồng lúa tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và (v) Đất cát biển trồng lúa tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
– Về phân bón: Phân urê (46% N), phân lân nung chảy Văn Điển (16,5% P2O5), phân lân supe (16,5% P2O5), KCl (60% K2O). Phân chuồng: người dân tự SX.
Thí nghiệm gồm 5 liều lượng lân khác nhau từ 0 – 120 kg P2O5/ha (lân supe và lân nung chảy), thực hiện trong 3 vụ Đông Xuân 2010, 2011 và 2012 trên một số loại đất chuyên trồng lúa và lạc của các tỉnh duyên hải miền Trung.
Mục đích của nghiên cứu nhằm tìm ra được lượng lân phù hợp mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất đối với cây lúa và cây lạc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Liều lượng lân có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu như năng suất, hiệu quả kinh tế và hiệu suất phân lân. Lượng bón 90 kg P2O5/ha trên nền 100 kg N + 60 kg K2O + 10 tấn phân chuồng/ha + 500 kg vôi/ha cho lúa và 40 kg N + 60 kg K2O + 8 tấn phân chuồng/ha + 500 kg vôi/ha cho lạc đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất.
Thí nghiệm gồm 5 liều lượng lân (0, 30, 60, 90, 120kg P2O5/ha). Công thức phân bón được đề xuất dựa trên điều tra thực tế về lượng phân bón sử dụng cho lúa và lạc của nông dân, quy trình khuyến cáo của khuyến nông địa phương, yêu cầu dinh dưỡng của cây lúa và cây lạc, tính chất đất và điều kiện thời tiết khí hậu tại vùng.
Công thức thí nghiệm (chung cho cả lúa và lạc) như sau:
1. Nền (NK + phân chuồng + vôi).
2. Nền + 30 kg P2O5/ha.
3. Nền + 60 kg P2O5/ha.
4. Nền + 90 kg P2O5/ha.
5. Nền + 120 kg P2O5/ha.
* Ghi chú: Nền với lúa là: 100 N + 60 K2O + 10 tấn phân chuồng + 500 kg vôi/ha; Nền với lạc là: 40 N + 60 K2O + 8 tấn phân chuồng + 500 kg vôi/ha.
Dạng lân sử dụng: Phân lân supe (SSP) và lân nung chảy Văn Điển (FMP).
Các thí nghiệm bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD), với 3 lần nhắc lại. Diện tích mỗi ô thí nghiệm là 20 m2.
Phương pháp bón phân:
(i) Đối với lúa: 100% vôi khi cày vỡ, 100% phân chuồng và 100% lân khi gieo. Bón thúc: Lần 1: 8 – 10 ngày sau gieo, 30% đạm + 20% kali; Lần 2: Khi đẻ nhánh, 45% đạm + 30% kali; Lần 3: Khi đón đòng, 25% đạm + 50% kali.
(ii) Đối với lạc: 50% vôi khi cày vỡ, 100% phân chuồng + 100% lân khi gieo. Bón thúc: Lần 1: khi lạc 3 – 4 lá, 70% đạm + 50% kali; Lần 2: khi tàn lứa hoa đầu, 30% đạm + 50% kali + 50% vôi.
Hiệu quả bón phân lân trên một số loại đất
Kết quả nghiên cứu cho thấy liều lượng lân ảnh hưởng có ý nghĩa đến năng suất các giống lúa trên các loại đất khác nhau.
Khuyến cáo mức bón phân hiệu quả
Với cây lúa: 10 tấn phân chuồng + 100 kg N (216 kg ure) + 90 kg P2O5 (545 kg lân Văn Điển) + 60 kg K2O (100 kg kali clorua) + 500 kg vôi/ha; Với cây lạc: 8 tấn phân chuồng + 40 kg N (87 kg đạm ure) + 90 kg P2O5 (545 kg lân Văn Điển) + 60 kg K2O (100 kg kali clorua) + 500 kg vôi/ha. Nên sử dụng phân lân Văn Điển bón cho cây trồng, đặc biệt trên các vùng đất chua, đất phèn và đất bạc màu ven biển miền Trung. ảnh: Phân lân Văn Điển thích ứng vùng đất chua, phèn, bạc màu ven biển miền Trung |
Nhìn chung, năng suất lúa tăng theo liều lượng lân bón và đạt cao nhất ở lượng bón 120 kg P2O5/ha trên cả 3 loại đất nghiên cứu (64,5 tạ/ha đối với đất phù sa Hà Tĩnh; 82,2 tạ/ha đối với đất phù sa Phú Yên và 67,0 tạ/ha đối với đất cát biển Thừa Thiên – Huế), tuy nhiên mức tăng năng suất giữa lượng bón 90 và 120 kg P2O5 không có ý nghĩa.
Các công thức có bón phân lân đều có lãi ròng cao hơn so với không bón lân và tăng dần đến lượng bón 90 kg P2O5/ha, sau đó giảm xuống trên đất phù sa tại Hà Tĩnh và Phú Yên.
Riêng trên đất cát biển tỉnh Thừa Thiên – Huế, lãi ròng ở các công thức có bón lân tăng lên rất nhiều so với công thức đối chứng và đạt cao nhất ở công thức bón 120 kg P2O5/ha là 4,70 triệu đ/ha.
Cùng với hiệu quả kinh tế thì chỉ tiêu về hiệu suất phân lân cũng là một thông số quan trọng nhằm xác định xem việc đầu tư thâm canh thông qua con đường phân bón có hiệu quả hay không.
Mức bón kinh tế: Hiệu suất phân lân tăng theo lượng bón và ở mức 90 kg P2O5/ha là đạt cao nhất trên cả 3 loại đất nghiên cứu (11,1 – 14,3 kg thóc/1 kg P2O5) và giảm ở lượng bón 120 kg P2O5/ha.
Như vậy, trong điều kiện thí nghiệm, liều lượng phân lân thích hợp nhất cho lúa đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu suất phân lân cao nhất là 90 kg P2O5/ha trên nền 100 kg N, 60 kg K2O, 10 tấn phân chuồng/ha.
Hiệu quả bón lân với lạc trên một số loại đất
Liều lượng lân có ảnh hưởng đến năng suất lạc trên một số loại đất và các giống lạc khác nhau.
Cụ thể, trên đất đỏ bazan tỉnh Phú Yên, năng suất lạc dao động từ 19,0 – 25,4 tạ/ha đối với giống lạc L14; trên đất phù sa tại Hà Tĩnh đối với giống lạc V79, năng suất dao động từ 16,5 – 24,1 tạ/ha và trên đất xám bạc màu tại Nghệ An, năng suất giống lạc Sen lai từ 17,6 – 23,8 tạ/ha.
Năng suất lạc đều đạt cao nhất ở liều lượng bón 120 kg P2O5/ha trên cả 3 loại đất và 3 giống nghiên cứu, song không sai khác có ý nghĩa so với lượng bón 90 kg P2O5/ha.
Hiệu quả kinh tế: Lãi ròng tăng lên khi tăng lượng lân bón, đạt cao nhất ở lượng bón 120 kg P2O5/ha trên cả ba loại đất nghiên cứu.
Lãi ròng thu được tăng 7,8 triệu đ/ha so với đối chứng trên đất phù sa Hà Tĩnh, tiếp đến trên đất đỏ bazan Phú Yên (6 triệu đ/ha) và cuối cùng trên đất xám bạc màu Nghệ An (5,7 triệu đ/ha).
Hiệu suất phân lân đạt cao nhất ở liều lượng bón 90 kg P2O5/ha trên cả 3 loại đất với các dạng lân khác nhau, dao động từ 6,0 – 6,8 kg lạc vỏ/kg P2O5. Tăng lượng lân bón lên 120 kg/ha, hiệu suất phân lân giảm xuống trên cả 3 loại đất và hai dạng lân nghiên cứu.
Đối với vùng đất duyên hải miền Trung, bón phân lân supe và phân lân Văn Điển cho lúa và lạc đều thu được năng suất cao trên 4 loại đất nghiên cứu.
Hiệu lực cả hai dạng phân lân đều cao nhất trên đất phù sa. Bội thu 1 kg P2O5 tùy thuộc vào loại đất, dạng lân bón và mức lân bón. Đối với cả 4 loại đất nghiên cứu, bội thu 1 kg P2O5 bón đạt cao nhất ở lượng bón 90 kg P2O5/ha đối với lúa (11,1 – 14,3 kg lúa) và lạc (6,1 – 6,8 kg lạc vỏ). Mức bón lân kinh tế nhất trên cả 4 loại đất và hai dạng lân là 90kg P2O5/ha. Trong các loại đất nghiên cứu, hiệu quả kinh tế của bón lân cho lúa cao nhất trên đất phù sa (25,1 triệu đ/ha), đối với lạc cao nhất trên đất đỏ bazan (38,1 triệu đ/ha). |
– Bảng giá sản phẩm : https://vandienfmp.vn/bang-gia-phan-bon
– Liên hệ mua hàng : Đại Lý Bán Hàng
– Điện thoại : 023.688.4489, 023.688.5174 Fax: 023.688.4277
– Liên hệ fanpage công ty : https://www.facebook.com/vandienfmp.vn/
Nguồn:nongnghiep.vn
Bài viết liên quan
Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu cho người dân sau bão
Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu...
Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển: Khẳng định vị thế mới với Giải thưởng “The best Of Vietnam 2024”
Hành trình phát triển và những dấu ấn nổi bật Công ty Cổ phần...
TVC giới thiệu các sản phẩm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Thực hiện kế hoạch của Tổng giám đốc Tập đoàn về việc tổ chức...