Là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất phân lân nung chảy (FMP) ở Việt Nam, VADFCO được khởi công xây dựng năm 1960 và đến năm 1963 chính thức hoạt động. Công suất ban đầu 2 vạn tấn/năm (2 lò cao công suất 1 vạn tấn / lò cao/ năm) nguyên liệu chính sử dụng là quặng apatit loại 1 (P2O2 từ 32 – 34%), quặng sà vân (Secpentine) với nhiên liệu dùng than cốc nhập ngoại. Do nhu cầu của sản xuất vào các năm 1969 – 1976 nhà máy mở rộng lên 4 lò cao, tổng công suất 4 vạn tấn/ năm, tuy nhiên chưa có đổi mới công nghệ nên mức tiêu thụ nguyên, nhiên liệu cao, chất lượng sản phẩm chưa có sự thay đổi, do ảnh hưởng của chiến tranh thiếu vật tư, nguyên liệu thường xuyên không đạt thiết kế năm cao nhất cũng chỉ đạt 27.000 tấn.
Đến giai đoạn 1976 – 1986 xây dựng thêm 1 lò cao công suất 5 vạn tấn, như vậy với 4 lò cao cũ, tổng công suất nhà máy là 9 vạn tấn / năm. Tuy nhiên, năm cao nhất cũng chỉ đạt 4,5 vạn tấn, ngay từ 1965 nhà máy đã phối hợp cùng Viện Hóa học công nghiệp nghiên cứu thay thế quặng 1 bằng quặng apatit loại 2 và đến năm 1992 đã thay thế hoàn toàn quặng loại I có hàm lượng P2O5 = 32 – 34% bằng quặng loại II có hàm lượng P2O5 = 22 – 24% mà vẫn đạt chất lượng tương đương như sản xuất bằng quặng loại I.
Cải tiến thành công công nghệ lò cao chạy bằng than cốc nhập ngoại sang chạy bằng than antraxit nội địa (1981 – 1983) với mức tiêu thụ thấp, Công ty đã cải tiến phối liệu quặng vụn đóng bánh thành công nên giảm chất thải rắn còn 20 – 30%, tiêu hao năng lượng từ 1,25 tấn xuống 1,0 tấn/ tấn sản phẩm, tổng tiêu hao quặng đã giảm còn 1,75 tấn/ tấn sản phẩm xuống còn 1,68 tấn/ tấn sản phẩm, chất thải rắn được tái sử dụng 100%. Tiếp tục nghiên cứu phế liệu đóng bánh tận dụng bụi lò cao thành nguyên liệu sản xuất phân lân thành công, giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm ô nhiễm bụi ra môi trường, nghiên cứu phế liệu sử dụng thêm phụ gia sa thạch nâng cao hàm lượng P2O5 > 17% phục vụ xuất khẩu, tiếp tục cải tạo công suất lò cao lên 10 vạn tấn/ năm. Năm 1996 nâng công suất 180.000 tấn/ năm, giảm định mức cho 1 tấn sản phẩm: Than cốc lò từ 0,33 tấn xuống 0,24 tấn, điện từ 107 Wh xuống 45 – 48 Wh. Tiếp tục cải tạo lò cao đến năm 1996 đưa công suất đạt 240.000 tấn/ năm. Từ năm 1997 – 2004, Công ty xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xây dựng hệ thống tháo nhiệt tuần hoàn, cải tạo nâng công suất máy sấy từ 3 tấn/giờ lên 10 tấn/giờ cải tạo nâng công suất máy nghiền từ 2,47 tấn/giờ lên 6,5 tấn/giờ. Tiếp tục cải tiến toàn bộ hệ thống xử lý bụi thay thế bằng lọc bụi khô thu hồi triệt để bụi, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp. Từ năm 2011 – 2013, Công ty tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp cơ khí trong nước chế tạo thay thế thành công máy đóng bao tự động, chế tạo quạt cao áp. Như vậy nhà máy sản xuất phân lân Văn Điển hoàn toàn dùng máy móc 100% sản xuất trong nước, đã cải tạo xử lý hệ thống nước thải triệt để, tiếp tục nghiên cứu ép bánh than cám thay thế một phần than cục sản xuất trong lò cao, tiết kiệm chi phí nguyên nhiên liệu.
Tóm lại nhờ liên tục cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật nên công ty đã đạt được những thành tựu cơ bản: Công suất từ 2 vạn tấn lên 30 vạn tấn/ năm và 150.000 tấn NPK, lò cao chạy bằng than cốc thay thế 100% bằng than antraxit nội địa, định mức cho 1 tấn sản phẩm giảm. Công ty phối hợp các Viện nghiên cứu như: Viện Hóa học công nghệ; Viện Thổ nhưỡng nông hóa; Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười; Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên (Viện Thổ nhưỡng nông hóa); Trạm nông hóa thổ nhưỡng Quảng Ngãi; Đại học nông lâm Huế; Đại học nông lâm Thái Nguyên; Đại học Cần Thơ và hệ thống khuyến nông các địa phương thực hiện hội thảo, xây dựng mô hình trình diễn, nghiên cứu hiệu lực, hiệu quả phân lân, phân NPK Văn Điển trên các loại đất, trên các loại cây trồng từng vùng miền. Công ty còn phối hợp với các Sở Nông nghiệp & PTNT, các phòng nông nghiệp huyện, hội nông dân, hội phụ nữ xây dựng nhiều mô hình thực tiễn để nông dân các nhà quản lý các nhà khoa học trao đổi về kinh nghiệm sử dụng phân bón Văn Điển, đã chi nhiều tỷ đồng cho công tác mô hình và nhiều chục tỷ đồng cho tập huấn quảng bá sản phẩm đến tận nông dân trên toàn quốc, mở rộng liên kết với đối tác nước ngoài để xuất phân bón sang Malaysia, Úc, Nhật, Đài Loan…
Từ quý IV năm 1988, công ty thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật công nghệ được áp dụng đặc biệt 2 sáng kiến: ép bánh quặng mịn than cám và cải tiến lò cao. Tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên vật liệu đem lại lợi ích kinh tế to lớn đã giảm giá thành 10 – 15%. Đặc biệt, công tác kinh doanh nhà máy đưa sản phẩm đến tận tay nông dân, có chính sách bán hàng trả chậm không tính lãi từ 1 – 2 tháng, sau thời gian tổng kết năm 1990 nhà máy đã tiêu thụ được 38.000 tấn phân lân và từ đó đến nay công ty luôn luôn phát triển về sản xuất cũng như tiêu thụ đa dạng mặt hàng NPK, đẩy mạnh sản xuất phân lân chất lượng cao, các loại phân chuyên dùng cho lúa, ngô, đậu đỗ, cà phê, hồ tiêu, cao su… mục tiêu là mang lại hiệu quả cho người nông dân.
Đặc biệt sau cổ phần hóa, Công ty nhanh chóng hoạt động theo luật doanh nghiệp, chú trọng làm tốt công tác cán bộ, sắp xếp lại kiện toàn bộ máy, tự động hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất NPK, đầu tư 2 máy đóng bao tự động, cải tiến môi trường làm việc cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, chú trọng công tác môi trường. Công ty tiếp tục mở rộng thị trường, áp dụng cơ chế bán hàng linh hoạt, xây dựng văn hóa thương hiệu VADFCO, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 – 2008, đề xuất nhiều dòng sản phẩm mới chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu canh tác của nông dân, mang tính chất đón đầu thích nghi biến đổi khí hậu. Công ty tiếp tục hợp tác với các Viện nghiên cứu trung tâm khuyến nông quốc gia, hệ thống quản lý nông nghiệp các tỉnh, các hội đoàn thể để chuyển tải thông tin về sản phẩm phân bón Văn Điển cho người nông dân dễ tiếp cận.