Kỹ thuật bón lót, bón thúc ! Hiệu quả sử dụng phân bón
Hà Nội , Ngày 02 tháng 05 năm 2019
Phân bón là một yếu tố không thể thiếu trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên để phân bón phát huy hiệu quả cao cần phải có những biện pháp kỹ thuật sử dụng phân bón (kỹ thuật bón phân) phù hợp đối với từng loại đất, với từng loại cây trồng.
1.Yêu cầu và mục đích bón phân là gì?
* Với cây trồng cần:
Cung cấp đủ và cân đối các dưỡng chất cần thiết theo đúng yêu cầu của từng loại cây trồng trong quá trình sinh trưởng, phát triển phù hợp với từng điều kiện cụ thể về khí hậu, đất đai, nước tưới và sâu bệnh hại.
Ngoài việc đạt năng suất cao cho cây trồng, cũng phải đạt chất lượng tốt cho nông sản, và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đảm bảo đạt có lợi nhuận kinh tế cao nhất, vừa tiết kiệm chi phí phân bón vừa đạt năng suất, chất lượng cao.
Với đất canh tác phân bón phải duy trì, cải thiện và nâng cao độ phì nhiêu màu mỡ cho đất. Cải tạo đất đai ngày càng tốt lên, đảm bảo cây trồng nói riêng và nền nông nghiệp nói chung phát triển một cách bền vững.
2.Nguyên tắc sử dụng phân bón
* Khi sử dụng phân bón cần tuân thủ một số nguyên tắc như sau:
– Đúng phân:
Dựa theo yêu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn, từng loại cây trồng, đặc điểm của đất đai để lựa chọn những loại phân thích hợp, tránh thiếu hụt hay dư thừa phân bón. Ví dụ như giai đoạn nuôi trái cây cần phân bón chứa nhiều kali để tích lũy các chất hữu cơ như tinh bột, protein,… về hạt, củ, quả. Giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng (phát triển cành lá) cần cân đối giữa các yếu tố dinh dưỡng. Các loại đất nghèo mùn, đất chai cứng, bạc màu cần bón các loại phân bón hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh…. bổ sung mùn, các chất hữu cơ, các vi sinh vật có tác dụng trong việc cải tạo đất, nâng cao độ phì nhiêu cho đất.
– Sử dụng phân bón đúng thời điểm, đúng lúc:
Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây bao gồm nhiều giai đoạn nối tiếp nhau, yêu cầu về phân bón và các dưỡng chất ở từng giai đoạn là khác nhau. Vào từng giai đoạn cần cung cấp đủ và kịp thời mới phát huy được hết hiệu quả, nếu thiếu hụt thì bổ sung sau cũng sẽ không đạt hiệu quả cao. Ví dụ bón thúc ra hoa nếu bón muộn thì số lượng hoa phân hóa ít, hoa nhỏ từ đó làm giảm năng suất cây trồng.
Cây trồng có nhu cầu về dinh dưỡng trong suốt tất cả các giai đoạn, trong suốt chu kỳ sống của mình. Vì thế, để phân bón phát huy hiệu lực cao nhất, cần chia phân bón ra nhiều lần bón, bón đúng lúc mà cây cần. Nếu bón dư thừa cây không hấp thu hết, phân bón sẽ bị rửa trôi, bốc hơi gây thất thoát, lãng phí hoặc có tác động xấu lại cây trồng.
– Sử dụng phân bón đúng lượng:
Đối với cây trồng phân bón không được thiếu cũng không được thừa, chỉ cần đủ mới phát huy được hiệu quả tốt nhất. với mỗi loại phân bón sẽ có những liều lượng phân bón thay đổi khác nhau cho từng loại cây trồng.
– Sử dụng phân bón đúng phương pháp đúng cách:
Tùy thuộc vào loại phân mà có những kỹ thuật sử dụng khác nhau. Có loại chuyên dùng cho bón lót, có loại chuyên cho bón thúc, có loại rải trên mặt đất, có loại vùi sâu xuống đất. Ví dụ các loại phân dễ bốc hơi, tan nhanh trong nước thì bón vùi vào trong đất, các loại phân khó bốc hơi, lâu tan thì cỏ thể rải trên mặt đất hoặc dùng để bón lót. Các loại phân bón có hiệu lực nhanh, cây trồng dễ hấp thu có thể dùng để bón thúc.
– Sử dụng phân bón đúng thời tiết:
Thời tiết có ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả sử dụng phân bón. Trời mưa nhiều phân bón có thể bị rửa trôi gây thất thoát phân bón, cây không sử dụng được. Thời tiết nắng nóng phân bón có thể bị bốc hơi do xảy ra các phản ứng hóa học gây thất thoát phân bón.
3.Thời kỳ và phương pháp sử dụng phân bón
* Có hai thời kỳ sử dụng phân bón:
a.Bón lót và phương pháp bón
Là sử dụng phân bón trước lúc gieo trồng nhằm mục đích khi rễ phát triển thì có thức ăn (các chất dinh dưỡng) để hấp thu ngay tạo điều kiện để cây phát triển khỏe mạnh ngay từ ban đầu, hay tạo điều kiện cho phân bón sẽ có thời gian phân hủy những chất khó hấp thu thành chất dễ hấp thu. Nếu từ đầu thiếu phân bón cây trồng sẽ không đủ sức, yếu ớt, sau này dù có bổ sung phân bón nhiều hơn thì cũng kém tác dụng. Phân bón lót thường là những phân bón chậm tan như phân bón hữu cơ ủ hoai mục, phân chuồng.
– Phương pháp bón lót
Là bón vào đất, rải đều ra mặt ruộng rồi cày bừa vùi xuống hay rải theo hàng, theo hốc rồi phủ một lớp đất rồi mới tiến hành gieo trồng, hoặc bón phân vào hố trước khi trồng đối với các loại cây lâu năm.
b.Bón thúc và phương pháp bón
Là sử dụng phân bón trong khi cây đang sinh trưởng, phát triển với mục đích cung cấp đủ và kịp thời các dưỡng chất cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao. Bón thúc không đủ phân cây trồng sẽ kém phát triển, đạt năng suất thấp. Các loại phân bón thúc là các loại phân bón dễ tan, chứa các dưỡng chất dễ tiêu (dễ hấp thu), phân hữu cơ hoại mục, phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh.
– Bón thúc được chia ra nhiều lần bón:
– Bón thúc thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng là bón vào thời kỳ cây trồng phát triển thân, cành, lá, đẻ nhánh, vươn lóng.
– Bón thúc trước khi ra hoa nhằm cung cấp dinh dưỡng để cây phân hóa mầm hoa tạo điều kiện cho hoa ra khỏe, nhiều, đồng loạt, nâng cao sức sống của hạt phân, tăng tỷ lệ đậu quả.
– Bón thúc nuôi trái/củ/quả là bón sau khi đậu trái/quả, hình thành củ nhằm cung cấp dinh dưỡng kịp thời và đầy đủ để cây nuôi quả, tạo củ/hạt, tích lũy tinh bột, đường,.…giúp cây trồng có một vụ mùa năng suất cao.
– Phương pháp bón thúc
– Có nhiều phương pháp bón thúc như:
Đào rãnh kích thước rộng 20cm và sâu10cm theo chiều rộng của tán cây rải phân rồi lấp đất.
Rải đều trên mặt đất, theo chiều rộng/vòng quanh tán cây khi đất đủ ẩm nếu đất khô cần tưới nước sau khi bón.
Có thể hòa tan trong nước tưới rồi tưới vào gốc, lượng nước vừa phải đủ thấm vào đất, không để dư thừa khiến nước chảy ra ngoài gây thất thoát phân bón.
Có thể rải theo hốc, theo hàng như ngô, lạc,…. Các loại phân bón lá có thể dùng phun qua lá.
4.Hiệu quả sử dụng phân bón
a.Thất thoát phân bón
* Lượng phân bón cây trồng không sử dụng được là lượng phân bón bị thất thoát. Nguyên nhân thất thoát phân bón do:
– Bị rửa trôi:
Do nước (nước mưa, nước tưới) cuốn trôi, phụ thuộc vào lượng nước, địa hình, loại phân bón.
Mưa nhiều hay tưới với lượng nước lớn, đất dốc, đất rời rạc không có thảm thực vật che phủ phân bón dễ bị rửa trôi. Các loại phân bón dễ hòa tan bị rửa trôi nhiều. Thất thoát phân bón do bị rửa trôi chiếm trên 30% lượng phân bón bị thất thoát.
– Bốc hơi:
Phân bón bốc hơi bởi các các phản ứng hóa học, các loại phân dễ bay hơi, phân bón lá thường rất dễ bốc hơi, đặc biệt trong điều kiện nhiệt độ cao. Phân đạm là loại phân bón bị thất thoát nhiều nhất bằng con đường bốc hơi, do xảy ra các phát ứng nitrat hóa hay khử nitrat khiến thất thoát trung bình 30% lượng đạm.
– Bị giữ chặt:
Các chất dinh dưỡng trong phân bón có thể bị các hạt keo đất giữ lại, cây trồng không thể hấp thu được.
b.Hệ số sử dụng phân bón
Tỉ lệ phần trăm các chất dinh dưỡng chứa trong phân bón mà cây trồng hấp thu, sử dụng được sau khi đã trừ đi lượng phân bón bị thất thoát được gọi là hệ số sử dụng phân bón.
Hệ số sử dụng phân bón phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm đất đai, điều kiện khí hậu, loại phân bón, kỹ thuật sử dụng phân bón, điều kiện canh tác.
c.Hiệu quả sử dụng phân bón
Hiệu quả sử dụng phân bón được thể hiện bởi hiệu suất phân bón. Hiệu suất phân bón được tính bằng số đơn vị nông sản phẩm thu hoạch được trên một đơn vị phân bón nguyên chất. Ví dụ như hiệu suất của phân đạm cho cây cà phê được tính bằng số kg cà phê thu được/số kg N sử dụng. Hiệu suất phân bón càng cao thì hiệu quả sử dụng phân bón càng cao.
Tính hiệu suất phân bón bằng cách so sánh năng suất, sản phẩm thu được giữa công thức bón loại phân đó và công thức đối chứng không bón loại phân đó trên cùng một loại cây trồng, trên cùng một đơn vị diện tích, cùng một điều kiện canh tác và sử dung các sản phẩm phân bón khác nhau. Dựa theo lượng năng suất tăng lên đó để đánh giá hiệu suất phân bón.
Tăng hệ số sử dụng phân bón cũng sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón bằng tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của cây trồng và hạn chế sự thất thoát phân bón Tăng cường khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, bằng việc duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Hạn chế thất thoát phân bón bằng các vùi phân xuống đất, chia nhỏ ra nhiều lần bón, không bón dư thừa, tưới nước đúng kỹ thuật, bón phân hữu cơ sẽ tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của cây…
Nguồn : https://www.facebook.com/vandienfmp.vn/posts/407531060081760?__tn__=K-R
Bài viết liên quan
Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu cho người dân sau bão
Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu...
Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển: Khẳng định vị thế mới với Giải thưởng “The best Of Vietnam 2024”
Hành trình phát triển và những dấu ấn nổi bật Công ty Cổ phần...
TVC giới thiệu các sản phẩm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Thực hiện kế hoạch của Tổng giám đốc Tập đoàn về việc tổ chức...