Mía Hòa Bình “ngọt lừ” từ gốc tới ngọn, do đâu?

Hà Nội , Ngày 02 tháng 05 năm 2019

 

Nhiều người trồng mía ở Hòa Bình cho biết, sở dĩ cây mía của họ có năng suất cao, mía ngọt, lóng dài đều… là do ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi, họ còn nắm vững kỹ thuật chăm sóc và bón phân hợp lý. Trong đó, loại phân bón có nguồn gốc khoáng tự nhiên như phân bón Văn Điển là lựa chọn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây.

Đầu năm 2019, thông tin mía tím tỉnh Hòa Bình lần đầu tìm được đường xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là một tin vui cho bà con trồng mía nơi đây. Hoạt động này được thực hiện theo hợp đồng mua bán trái cây tươi giữa Nông trại hữu cơ Linh Dũng và Công ty Cổ phần AMEII Việt Nam. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đồng Yến – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết, sau lần đầu tiên xuất hàng đi Nhật Bản với khối lượng 7,2 tạ, mía tím Hòa Bình đã được xuất đợt 2 với khối lượng 1 tấn, đợt 3 đạt 1,5 tấn. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp trên có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cho bà con nông dân trồng mía tím đạt chất lượng tốt, để xuất khẩu ra nước Nhật với số lượng lớn hơn” – ông Yến nói.

Sơ chế, đóng gói mía tím Hòa Bình để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh tư liệu.

Thu nhập 200 – 250 triệu đồng trên mỗi hecta mía

Cho dù khối lượng xuất khẩu còn khiêm tốn, và sau đó, việc xuất khẩu cũng như bán nội địa vẫn còn gặp khó khăn, nhưng cây mía sẽ vẫn là một trong những cây chủ lực của nhà nông tỉnh Hòa Bình trong nhiều năm tới. Hiện tại, với tổng diện tích hơn 8.000ha mía, Hòa Bình là một trong những tỉnh có diện tích trồng mía lớn tại miền Bắc, trong đó mía tím chiếm hơn 3.000ha. Các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi… được mệnh danh là thủ phủ của cây mía. Diện tích mía đường toàn tỉnh có trên 3.000 ha, mía trắng ép nước gần 2.000 ha. Tốc độ phát triển sản xuất mía bình quân giai đoạn 2011 – 2018 là 99,23%/ năm, thu nhập bình quân của người trồng khoảng 200 – 250 triệu đồng/ha, trừ chi phí mang về lợi nhuận từ 100 – 140 triệu đồng/ha. Diện tích mía ăn tươi (mía tím và mía trắng ép nước) luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng diện tích, từ 80 – 85%.

Theo “phả hệ” thực vật, cây mía vốn cùng họ Poaceae với cây lúa. Song cây mía sống ở trên cạn, có bộ rễ phát triển khỏe, khả năng phá vỡ các tầng đất sâu hơn cây lúa nên khả năng len lỏi, tìm kiếm dinh dưỡng tốt hơn. Mía có thể trồng được trên rất nhiều loại đất kể cả trên đất phèn thoát nước tốt. Mía cho năng suất sinh học cũng như năng suất kinh tế rất cao; với giống mía cao sản, mỗi hecta một năm có thể cho năng suất từ 150 – 200 tấn, trong những điều kiện thuận lợi nhất và không phổ biến, năng suất mía có thể lên đến 260 tấn.

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh (nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, một người có kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn sử dụng phân bón cho cây mía) phân tích: Thời gian sinh trưởng của mía dài từ 10 – 15 tháng, nên yêu cầu các chất dinh dưỡng cao hơn các cây trồng khác. Phân tích cây mía khi thu hoạch cho thấy, ruộng mía có năng suất 100 tấn mía cây, cây lấy đi hết 142 – 200 kg đạm, 42 -85 kg lân (P205), 314 – 425 kg kali (K20), 40 kg vôi (CaO), 47 kg MgO, 25 kg lưu huỳnh (S), 400 – 600 kg Silic, 6 kg Natri, 2 – 3 kg nguyên tố sắt (Fe), 1 kg mangan (Mn), 0,11 – 0,05 kg nguyên tố đồng (Cu), 0,02 – 0,05 kg kẽm (Zn), 0,1 – 0,2 kg bo (B)…

Đáng chú ý, trong các dinh dưỡng đa lượng, cây mía có nhu cầu kali cao nhất, sau đó đến đạm và lân. Ngoài ra, mía còn có nhu cầu một số nguyên tố với lượng ít hơn, gọi là các chất trung và vi lượng. Một số nguyên tố trung và vi lượng có ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây mía là silic, magie, canxi, kẽm, bo….

Sản phẩm người ta cần ở cây mía không phải là trọng lượng thân cây, mà là lượng đường chứa trong cây. “Lượng” và “chất lượng” của đường phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng cung cấp cho mía; trong đó kali và canxi có ảnh hưởng rất lớn. Riêng chất silic có nhu cầu rất lớn đối với các loại cây họ hòa thảo. Với loài cây 1 lá mầm như lúa, mía…có nhu cầu silic gấp hơn 4 lần đạm. Sở dĩ “món ăn” này trở thành “khoái khẩu” nhất đối với cây mía là vì silic  làm cứng cây, hạn chế đổ, tăng khả năng chống hạn, chống sâu bệnh, giảm độc mangan, tạo diệp lục, tăng hàm lượng gluxit, tinh bột, đường trong cây.

Bón phân đúng: “Quyết định” tới 50% năng suất cây mía

Đất trồng mía của Hòa Bình chủ yếu là đất đồi, đất vườn, màu vàng tạo ra qua quá trình phong hóa đá freranit, có tầng canh tác dày, đất chua, nhiều nơi rất chua pH: 3,8-4,2, nghèo canxi, magie, silic hòa tan. Đất cao lại dốc, bón loại phân lân gốc axit tan nhanh, vừa dễ bị rửa trôi khi gặp mưa, vừa thêm chua cho đất,  trong khi cây mía lại ưa đất có tính kiềm pH 6-7,5. Nếu thiếu phân bón hoặc bón nhiều đạm hoặc các loại phân NPK khác thiếu các dinh dưỡng trung, vi lượng, cây mía dễ có hình dáng “chân hương” (gốc nhỏ, ngọn to) và màu không đẹp, chất lượng kém.

Các nhà khoa học chuyên ngành canh tác mía đường đã chỉ dẫn: Phân bón chiếm tới 50% các yếu tố cấu thành năng suất cây mía, phân bón góp phần điều chỉnh quá trình sinh trưởng, quá trình tích lũy đường và khả năng chống chịu (với gió bão, sâu bệnh…). Do vậy, việc lựa chọn loại phân bón thích hợp, bón đúng kỹ thuật, đủ số lượng theo yêu cầu của cây và phù hợp với tính chất đất là rất cần thiết.

Khi chúng tôi hỏi về việc trên thị trường hiện nay có nhiều loại phân bón, vậy trong số đó phân bón nào thích hợp cho cây mía, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh   chia sẻ: Nhiều người trồng mía mà tôi đã biết, họ thường sử dung phân nung chảy Văn Điển và cho hiệu quả cao. Loại phân bón này có nguồn gốc khoáng tự nhiên, được chế biến từ 3 loại quặng: apatít, secpentyl, sa thạch  và công nghệ nung chảy đã cho ra sản phẩm phân bón đa dinh dưỡng, trong đó P2O5 chiếm đến 15-19%, MgO đạt 15-18% ,SiO2 từ 24-32%, CaO từ 28-34%, và nhiều  chất vi lượng Fe, B, Mn, Zn, Co, Cu, Mo… Sản phẩm này không tan trong nước nên không bị thất thoát do rửa trôi, bay hơi hay bị chất khác giữ bám; chúng chỉ tan trong môi trường axít yếu do rễ cây tiết ra, được cây “ăn” từ từ trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển.

Hòa Bình có hơn 3.000ha mía tím trong tổng số hơn 8.000ha mía của cả tỉnh này. Ảnh minh họa

Ngoài phân lân nung chảy còn các loại phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên bón cho mía:

-Phân đa yếu tố NPK 16.6.16 Văn Điển cũng giàu chất dinh dưỡng với thành phần cân đối và hợp lý: N 16%, P2O5 6%, K2O 16%, S 2%, MgO 5%, CaO 8%, SiO2 7% và các chất vi lượng Zn, B, Cu, Mn, Co..

-Phân đa yếu tố NPK 12:8:12 có N 12%, P2O5 8%, K2O 12%, S 6%, MgO 6%, CaO 8%, SiO2 9% và các chất vi lượng khác

– Phân đa yếu tố NPK 10.5.12 có tỷ lệ dinh dưỡng cao và có đầy đủ các chất đa lượng, trung lượng và vi lượng: N 10%, P2O5 5%, K2O 12%, S 3%, MgO 7%, CaO 7%, SiO2 6% và các chất vi lượng khác.

Cách sử dụng như sau: Bón phân cho mía phải đạt được 3 yêu cầu cơ bản là đúng – đủ – kịp thời. Do vậy, bón phân cho mía nên kết hợp bón lân Văn Điển với phân đa yếu tố NPK Văn Điển sẽ có hiệu quả cao hơn.

Bón lót: Làm đất trồng mía là phải cày sâu để tạo điều kiện cho bộ rễ phát triểr theo chiều sâu và rộng, giúp cây phát triển nhanh, chống đổ tốt và.tăng khả năng chống hạn của mía ở những tháng ít mưa đặc biệt là đất đồi. Sau khi tạo rạch, bón mỗi sào 5-7 tạ phân hữu cơ, 30-40kg phân lân Văn Điển, đảo phân rồi lấp đất, đặt hom.

Bón thúc: Đợt 1, khi mía đẻ nhánh, 1 sào bón 30-40kg phân đa yếu tố NPK Văn Điển: 12-8-12 hoặc phân đa yếu tố NPK Văn Điển: 16-6-16.  Đợt 2, khi mía bắt đầu vươn lóng, bón 1 sào: 25-30kg một trong hai loại phân trên.

Bà con cần nhớ cuốc xả hai bên mép luống cách gốc 20-30cm, sâu 15-20cm, bón phân lấp đất kết hợp với tưới đủ ẩm. Mía gốc cần bón phân nhiều hơn mía tơ khoảng 10-15% lượng phân bón các loại. Bón phân Văn Điển là phải vùi sâu và lấp đất kín, không hòa nước để tưới. Phân không nên rải trên mặt đất, phải vùi sâu vừa hạn chế hiện tượng rửa trôi, xói mòn, vừa đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây mía trong cả chu kỳ sinh trưởng.

Cây mía được bón phân lân nung chảy Văn Điển và phân bón đa yếu tố NPK đảm bảo đầy đủ và cân đối dinh dưỡng đa lượng và các các dinh dưỡng trung, vi lượng rất cần thiết cho cây trồng, giúp tăng năng suất, giảm sâu bệnh hại và tăng chất lượng đường mía. Với mía trắng, cây chắc, không bị xốp ruột bón nhiều đạm, nước ngọt, không chua. Mía tím màu cây tím đen mượt, tăng vị ngọt thơm. Khi bón phân Văn Điển, mía tím và mía trắng đều cho lóng dài, cây mập, ngọn nở, lá màu xanh sáng, cứng cây.

 

                                                        Nguồn : Langmoi.vn                                    Trọng Hòa – Nam Phong

Bài viết liên quan

Cụm thi đua số 2 tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024

Ngày 02 tháng 12 năm 2024, tại Công ty cổ phần Phân lân nung...

Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu cho người dân sau bão

Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu...