Những điều cần biết về cách trồng và chăm sóc hoa Lily

Hà Nội , ngày 14 tháng 10 năm 2019

 

  Hoa Lily ( còn gọi là hoa Ly ) là một loài hoa đẹp, được ưa chuộng trên thị trường bởi hương sắc rất riêng của nó. Hoa Lily khi nở bung có hình như chiếc chuông nhỏ với 6 cánh xòe rộng và mùi hương nồng nàn lan tỏa. Xuất xứ từ vùng ôn đới nhưng hiện nay hoa Lily đã phổ biến trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, hoa Lily có nhiều màu khác nhau như trắng, hồng, cam, đỏ, vàng với chiều cao thường từ 0,6m đến 1,8m.

  Cách trồng và chăm sóc hoa Lily không quá khó, tuy nhiên để có một chậu Ly đẹp, hoa nở to và phát triển tốt cần cả một quá trình chăm sóc công phu, với kỹ thuật trồng khoa học.  Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những điều cần biết về cách trồng và chăm sóc hoa Lily để được chậu Ly như ý muốn.

Ở Việt Nam hoa Lily màu hồng là một loài hoa rất được yêu thích

I. Chuẩn bị trước khi trồng

1. Nhiệt độ

  Xuất xứ từ vùng ôn đới, Lily phù hợp trồng ở những vùng có nền nhiệt thấp như Sapa, Mộc châu hay Đà Lạt. Lily là giống cây chịu rét khá, chịu nóng kém, ưa khí hậu mát ẩm. Vì vậy, người trồng có thể lựa chọn giống lai Phương Đông phù hợp với thời tiết nhiệt đới của Việt Nam. Loại Lily giống lai Phương Đông phát triển và cho hoa đẹp nhất khi nhiệt độ ban ngày từ 25-280C, nhiệt độ ban đêm từ 18-200C. Hoa dễ bị mù và cây còi cọc kém phát triển nếu để nhiệt độ xuống dưới 120C.

2. Ánh sáng

– Một lưu ý quan trọng với sự phát triển của cây là mức độ ánh sáng. Loại Lily lai giống Phương Đông đặc biệt mẫn cảm với sự thừa và thiếu ánh sáng. Loại này ưa cường độ ánh sáng ở mức trung bình. Vào mùa hè, nên che bớt 70% ánh sáng cho cây. Ngược lại vào mùa Đông hoặc trồng cây trong nhà kính, cần bỏ bớt lưới che phủ để tăng cường ánh sáng tự nhiên cho cây vì khi ánh sáng không đủ, nhị đực sẽ sản sinh Etylen dẫn đến nụ bị rụng, làm giảm năng suất ra hoa của cây.

3. Không khí

– Trong không khí có Etylen có thể khiến Lily mẫn cảm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và mạnh khỏe của hoa. Người trồng có thể lựa chọn giống cây để phòng ngừa cây mẫn cảm với Etylen, vì độ mẫn cảm của các giống khác nhau, giống châu Á thường mẫn cảm hơn đối với khí Etylen so với các giống khác.

4. Đất

– Để cây phát triển khỏe mạnh nên trồng cây Lily ở những đất nhiều mùn, đất thịt nhẹ. Đặc biệt, cần chú ý đến độ tơi xốp và thoát nước của đất vì Ly là loại cây có rễ ăn nông.

– Với các giống lai khác nhau, yêu cầu về độ pH cho đất không giống nhau. Cụ thể: với các giống lai châu Á, độ ph thích hợp từ 6-7. Với giống lai nhóm Phương Đông, yêu cầu pH thích hợp từ 5,6-6,5.

II. Lưu ý khi tưới nước và bón phân cho cây

1. Nước

– Bạn cần nhớ thời kỳ cây mới phát triển cần nhiều nước, đến kỳ ra hoa, nhu cầu nước của cây sẽ giảm bớt. Nên tưới cây ở phần gốc, tránh tưới nước trực tiếp vào lá và hoa vì nước nhiều củ dễ bị thối, làm rụng lá và nụ.

– Cây Lily thích không khí ẩm ướt, cần giữ ẩm cho đất trong suốt quá trình trồng. Độ ẩm thích hợp nhất cho cây là khoảng 80-85%.

Nên tưới nước vào phần gốc tránh tưới nước trực tiếp lên lá và nụ hoa

2. Phân bón

– 03 tuần đầu kể từ sau khi trồng là thời điểm cây Lily yêu cầu mức độ phân bón rất cao. Bạn nên dùng phân hữu cơ (NPK, lân..) để bón cho cây. Cần lưu ý, lúc này cây dễ bị ngộ độc muối do rễ cây còn non. Để cây tránh tác hại của muối trong đất, trước khi trồng cần kiểm tra hàm lượng muối trong đất để có phương án cải tạo đất phù hợp, vì muối trong đất chủ yếu do phân bón, nước tưới và hàm lượng dinh dưỡng của cây trồng vụ trước tạo nên.

III. Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây hoa Ly

1. Sâu hại

– Rệp bông: Đây là loại rệp gây hại thân, cành, lá cho cây. Rệp bông hút dịch lá làm thân cây khô héo, hoa biến dạng. Có thể phòng ngừa bằng cách làm sạch cỏ, cắt bỏ những phần bị hại đem đi tiêu hủy.

– Bọ trĩ: Đây là loại sâu hại tập trung chủ yếu ở hoa. Sâu non thích núp trong nụ hoa gây hại. Sâu trưởng thành thường hút dịch dinh dưỡng ở bề mặt hoa tạo thành vân khác màu hoặc làm giảm màu sắc rự rỡ của hoa.

– Nhện: Thường xuất hiện nhiều ở môi trường đất cát pha, đất bazan… gây hại chủ yếu ở lá, rễ, củ. Nhện có thể làm rụng nụ hoa, khiến hoa nở không đều. Có thể phòng nhện bằng cách ngâm củ giống 2 giờ trong nước nóng 40 độ trước khi trồng.

2. Bệnh hại

– Cây hoa Lily thường gặp một số loại bệnh như bệnh thối rễ, bệnh thối gốc, bệnh xám lá. Một số biện pháp phòng bệnh cơ bản cho cây như vệ sinh đồng ruộng thường xuyên, dọn dẹp cỏ đúng định kì, lựa chọn củ giống tốt trước khi trồng… có thể giúp cây sinh trưởng tốt và khỏe mạnh hơn.

IV. Chăm sóc hoa Lily nở đẹp và phát triển theo ý muốn

– Bí quyết để hoa Lily nở theo ý muốn nằm  ở yếu tố ánh sáng và nhiệt độ của cây. Việc bạn cần làm là điều chỉnh song song ánh sáng và nhiệt độ cho cây để đạt được mục đích mong đợi. Ở điều kiện có nhiều ánh sáng và độ ẩm cao, cây sẽ nở hoa nhanh hơn.

Một vài lời khuyên:

  • Để kiểm tra cây đã thực sự đủ nước chưa, bạn lấy đất dưới gốc cây sau khi tưới nước, nắm thành cục và không thấy nước rỉ ra ngoài, không bị vỡ khi gõ nhẹ vào tức là cây đã đủ nước.
  • Khi hoa ra nụ, muốn hoa nhanh nở có thể chăm tưới nước cho cây và đem hoa ra nơi có nhiều ánh sáng để cây hấp thụ và tăng nhiệt độ. Ngược lại, ở điều kiện cường độ ánh sáng yếu và cây bị hạn chế tưới nước, hoa sẽ nở chậm hơn.

*Nội dung bài viết thuộc bản quyền công ty cổ phần Phân Lân nung chảy Văn Điển

                    

                                                                       CÔNG TY CỔ PHẦN PHÂN LÂN NUNG CHẢY VĂN ĐIỂN

 

Bài viết liên quan

Tọa đàm “Phân lân nung chảy Văn Điển cho nông nghiệp bền vững” tại Tân Hưng

Ngày 07/9, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp với...

Cây Húng Chanh cẩm nang trồng cây húng chanh, “quà tặng” từ thiên nhiên

Cẩm nang trồng cây húng chanh, “quà tặng” từ thiên nhiên Ở nước ta,...

Cây sả cách chăm sóc cây sả nhanh nở bụi, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cây sả dễ trồng, không kén đất. Tuy nhiên, sau một thời gian tươi...

“Thức ăn độc đáo” giữ hương vị thơm ngon cho cây chè miền Bắc

“Phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dùng cho cây chè vượt...