Thương hiệu phân bón Văn Điển 60 năm đi cùng nền nông nghiệp nước nhà
Trong hơn 60 năm xây dựng và phát triển (1963-2023), Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân, có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ tranh Nhân dân, 05 Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng, nhiều hình thức tôn vinh, ghi nhận của Chính phủ cũng như các ngành, các cấp.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới, quá trình phong hóa đất đá diễn ra mạnh, tạo nên những vùng đất đai màu mỡ, đặc biệt vùng đất phù sa châu thổ sông Hồng. Vì vậy, cho đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX, trên 90% dân số nước ta vẫn sống bằng nghề nông. Từ thời kỳ phong kiến cho đến giai đoạn đó, người nông dân cơ bản chỉ “bóc lột” đất, cùng với quá trình xói mòn, rửa trôi làm cho đất nông nghiệp ngày càng nghèo dinh dưỡng. Sau Cải cách ruộng đất (1953), nông dân theo Đảng làm chủ đồng ruộng, biết vận dụng khoa học vào sản xuất, biết tận dụng phân bắc, phân chuồng, phân xanh, làm bèo dâu, điền thanh bón ruộng tạo nên năng suất lúa ngày một tăng. Năm 1966, Thái Bình là tỉnh đầu tiên cả nước đạt năng suất lúa toàn tỉnh 5 tấn thóc/ha.
Cách mạng Xanh có thể hiểu nôm na là cách mạng nông nghiệp mà 2 lĩnh vực tập trung nhất là giống cây trồng và phân bón cùng các kỹ thuật ứng dụng. Chỉ tính riêng cây lúa, nước ta đã từng bước thay thế các giống lúa cũ năng suất thấp, cây cao hay nhiễm bệnh, đặc biệt bệnh vàng lụi; tiếp thu chọn lọc kết quả Viện lúa Quốc tế (IRRI) như giống lúa IR8, IR5, CR203, IR17494… Cùng với kết quả nghiên cứu, chọn lọc trong nước, kết hợp nhập nội giống lúa nước ngoài để có bộ giống lúa cao sản, chất lượng cao, ít sâu bệnh và thích ứng môi trường bất thuận.
Để thâm canh giống lúa mới cần nhiều phân bón và kỹ thuật thích hợp. Theo các nhà khoa học nông nghiệp, cây trồng cần từ 18-23 chất dinh dưỡng khác nhau. Ngoài 3 chất đa lượng đạm, lân, kali (N,P,K), các chất trung, vi lượng không chỉ hỗ trợ các chất đa lượng, mà còn giúp cải tạo đất, cải tạo môi trường sống, góp phần cấu tạo cơ thể và tạo enzyme giúp cây trồng sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với sâu bệnh và môi trường bất thuận, tạo ra năng suất cao, chất lượng tốt…
Trong điều kiện thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đất nước còn chiến tranh, đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn, việc xây dựng một doanh nghiệp phân bón Việt Nam để từng bước cung cấp vật tư quan trọng cho ngành nông nghiệp – lĩnh vực tối quan trọng của quá trình kháng chiến, kiến quốc – là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, bắt buộc phải thực hiện thành công. Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển (mà tiền thân là Nhà máy Phân lân Văn Điển) ra đời từ chính yêu cầu của nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đó, và đã lĩnh nhận sứ mệnh vẻ vang là đồng hành cùng nền nông nghiệp nước nhà phát triển vững mạnh.
Bốn năm đầu kiến tạo Nhà máy
Nhà máy Phân lân Văn Điển được Trung Quốc giúp đỡ khởi công xây dựng từ tháng 2 năm 1960. Đến tháng 9 năm 1960 có 150 cán bộ công nhân viên đầu tiên được tập trung để bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ, đào tạo công nhân sản xuất, chuẩn bị cho việc quản lý điều hành Nhà máy. Nhà máy được xây dựng trong thời gian hơn một năm gồm 2 lò cao, mỗi lò có công suất 10.000 tấn/ năm và một dây chuyền sấy nghiền. Đến tháng 4/1961 Công trình cơ bản đã hoàn thành và đã sản xuất 595 tấn sản phẩm đầu tiên. Sau gần 3 năm nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp, bổ sung các giải pháp xử lý khí, bụi, thay thế máy nghiền, máy đập để giải quyết các bất cập nảy sinh, ngày 01/10/1963 Nhà máy chính thức được khánh thành đi vào sản xuất. Ba tháng cuối năm 1963, Nhà máy sản xuất được 6.600 tấn phân lân nung chảy.
Vượt kế hoạch năm đầu sản xuất
trong điều kiện chiến tranh
Năm 1964, Bộ Công nghiệp nặng giao kế hoạch chính thức đầu tiên cho Công ty sản xuất 18.000 tấn phân lân nung chảy (tương đương 90% công suất nhà máy). Công ty hoạt động suôn sẻ được 7 tháng đầu năm. Từ tháng 8 năm 1964 xảy ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Công ty hoạt động trong tình trạng thiếu nguyên liệu do đường sắt bị giặc đánh phá. Tuy nhiên, Công ty đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành vượt mức kế hoạch 103,8%, với sản lượng 18.396 tấn phân bón phục vụ nông nghiệp.
Vừa sản xuất vừa chiến đấu
chống “chiến tranh phá hoại” (1965-1975)
Đối mặt với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Công ty thực hiện chủ trương vừa tổ chức sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, tổ chức đào giao thông hào trong nhà máy, đắp các ụ bảo vệ các thiết bị chủ yếu. Công ty tổ chức một bộ phận đi sơ tán, một bộ phận bám trụ tại nhà máy để sản xuất và được tổ chức thành các trung đội chiến đầu. Trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại, mặc dù nguyên nhiên liệu bị thiếu, sản xuất không liên tục, Nhà máy và khu vực chung quanh bị đánh phá đến 48 lần, nhưng suốt 10 năm chống chiến tranh, ngoại trừ năm 1967, Công ty đều hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao.
Lực lượng tự vệ của Công ty cũng đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, đặc biệt trong trận đánh trả ngày 27/6/1972, trung đội pháo 12ly7 của Công ty đã bắn rơi một máy bay F4 của địch. Lực lượng Tự vệ của Công ty về sau đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Cuối năm 1968, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ chấm dứt, Đảng và Nhà nước chủ trương tranh thủ thời gian, khôi phục lại các xí nghiệp bị đánh phá đồng thời xây dựng thêm các nhà máy mới. Đầu năm 1969, Công ty được Nhà nước đầu tư xây thêm hai lò cao để nâng công suất từ 20.000 tấn/năm lên 40.000 tấn/năm, đến năm 1973 thì hoàn thành.
Giai đoạn 10 năm sau ngày Thống nhất
(1976- 1985)
Giai đoạn 1976-1985 là thời gian vô cùng khó khăn của đất nước ta. Các nguồn việc trợ bên ngoài bị hạn hẹp, nguyên nhiên liệu không đủ cho sản xuất công nghiệp. Đối với Công ty, nguồn than coke bị thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng phân bón. Để phục vụ mục tiêu 21 triệu tấn lương thực theo nghị quyết Đại hội IV của Đảng, Công ty được Nhà nước đầu tư xây thêm 01 lò cao có công suất 50.000 tấn/năm để nâng tổng công suất lên 90.000 tấn/năm. Do Nhà nước thiếu vốn đầu tư nên đến năm 1978 phải tạm dừng thi công và đến năm 1983 mới khôi phục lại. Chủ động khắc phục khó khăn, trong thời gian này, cán bộ kỹ thuật của Công ty đã nghiên cứu thành công dùng than antraxít nội địa thay thế cho than coke nhập ngoại. Năm 1984, công trình mở rộng lần thứ 2 chính thức đi vào sản xuất. Việc sử dụng than antraxit nội địa thay thế than coke nhập ngoại đã mang lại hiệu quả lớn: Nhà nước tiết kiệm được hàng triệu đô la mỗi năm để nhập than coke, quan trọng hơn là Công ty đã chủ động được nguồn nhiên liệu để sản xuất phân bón, phục vụ có hiệu quả cho ngành nông nghiệp.
Sáng tạo, vươn lên phát triển trong thời kỳ Đổi mới
Từ năm 1986, nước ta bắt đầu công cuộc Đổi mới toàn diện, trong đó việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường đã có tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp. Vượt qua khó khăn những năm đầu chuyển đổi cơ chế, Công ty đã thiết lập việc liên doanh liên kết với các đơn vị cung ứng vật tư, vận tải để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất. Mặt khác, Công ty đã cố gắng phát huy nội lực, nghiên cứu khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, khai thác các tiềm năng hiện có, tổ chức sắp xếp lại sản xuất. Điển hình là 02 công trình khoa học (được cấp Bằng độc quyền sáng chế) đã góp phần quyết định cho việc tồn tại và phát triển ngành Lân nung chảy Việt Nam là:
– Công trình nghiên cứu đóng bánh quặng mịn, than cám thành nguyên liệu nhiên liệu sản xuất, giảm 10-15% giá thành, tiết kiệm tài nguyên đất nước;
-Công trình nghiên cứu cải tiến lò cao sản xuất phân lân nung chảy phù hợp với công nghệ sản xuất bằng than antraxite, nâng công suất lò cao từ 1,5 tấn/h lên 5,7 tấn/giờ và đến nay là trên 11 tấn/giờ.
Kết quả, Công ty không chỉ hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao mà còn mở ra tương lai phát triển rực rỡ cho doanh nghiệp.
Từ năm 1990, Nhà nước chính chấm dứt cơ chế kế hoạch cũ, chuyển sang kế hoạch hóa định hướng, các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, Công ty đã tập trung cho công tác thị trường, hợp tác với các trường đại học Nông Lâm nghiệp, các viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong cả nước để nghiên cứu hiệu quả phân bón đối với cây trồng để hoàn thiện các sản phẩm cũ và nghiên cứu các sản phẩm mới; làm các mô hình trình diễn để tuyên truyền quảng bá về sản phẩm của Công ty; xây dựng các kênh phân phối sản phẩm.
Nhờ đó, Công ty liên tục phát triển với tốc độ cao, sản phẩm của Công ty từ 02 loại, đến nay đã có hàng chục loại và được tiêu thu rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu ra nước ngoài. Đời sống cán bộ, công nhân viên ngày càng được cải thiện. Nếu như năm 1990 Công ty chỉ sản xuất được 38.400 tấn sản phẩm thì đến năm 2010 đã sản xuất được 311.260 tấn sản phẩm các loại, thu nhập của CBCNV đạt 6 triệu đồng/tháng.
Công ty luôn là lá cờ đầu trong ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển đã không ngừng đổi mới công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã có những bước phát triển ngoạn mục, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển nông nghiệp nước nhà.
Áp dụng tổng hợp khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hóa lò cao, tuyển chọn nguyên liệu, nhiên liệu, kỹ thuật nấu quặng, chọn thời gian đủ cho quặng tan chảy lỏng để chuyển hóa hoàn toàn chất khoáng khó tiêu từ quặng sang chất khoáng dễ tiêu trong phân lân. Đây chính là “Bí quyết nhà nghề” của Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển. Bởi thực tế có nhiều nhà máy khác trong nước cũng từng sản xuất phân lân nung chảy, nhưng chất lượng không thể so sánh, mức độ đồng hóa, hấp thu của cây trồng thấp, thị trường không chấp nhận, nên các nhà máy đó đã phải ngưng hoạt động.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, chuyên gia kỳ cựu về hướng dẫn sử dụng phân bón, sản phẩm truyền thống và nổi tiếng của Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điền là “phân lân nung chảy” luôn đứng đầu cả nước về chất lượng:
– Khả năng hấp thụ của cây trồng đạt 100%;
– Không có chất độc hại, thân thiện môi trường;
– An toàn tuyệt đối cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững;
– Chất lượng phân lân cấp nhà nước, với tổng hàm lượng dinh dưỡng dễ tiêu rất cao, đạt trên 86%: lân (P2O5) từ 15-17%; canxi (CaO) 28 -34%; silic (SiO2) = 24-32%; magie (MgO) = 15-18% và 6 loại dinh dưỡng vi lượng. Riêng phân lân xuất khẩu thì P2O5 lên đến 19-20%.
Một số bao bì sản phẩm (mẫu mới) được Công ty đưa vào sử dụng từ tháng 1 năm 2022.
Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh đánh giá, đây là loại phân bón tốt nhất cho cây lâu năm, cây công nghiệp, cây ăn quả… Khi được vùi sâu trong đất phân bón không bị rửa trôi hoặc bị các chất khác bám giữ. Phân lân nung chảy cung cấp dinh dưỡng từ từ theo nhu cầu của cây trồng.
Để thâm canh cây ngắn ngày và đáp ứng nhu cầu đa dạng phân bón trong sản xuất, từ phân lân Văn Điển làm nền, phối hợp với đạm urê, kali loại tốt nhất để sản xuất phân bón đa yếu tố NPK theo các công thức phù hợp từng chân đất, từng loại và từng mùa vụ của cây trồng. Do phân lân nung chảy không tan trong nước nên sản xuất phân đa yếu tố NPK theo công nghệ phối trộn thường hiệu quả hơn.
Bám sát nhu cầu sản xuất thực tế trên đồng ruộng và tâm lý người nông dân theo từng thời kỳ trong suốt 60 năm, Công ty đã thường xuyên cải tiến hình thức, mẫu mã, công thức phối trộn nhằm thích ứng thị trường; ví như lân nung chảy từ dạng nghiền mịn, khi vãi dễ bị bay và bị nổi trên mặt nước thì chuyển sang dạng mảnh, mảnh to khi vãi bị dằm thủy tinh lại chuyển sang dạng mảnh nhỏ rồi sang dạng viên; hoặc vỏ bao bì thay đổi cho bắt mắt và dễ nhận biết, dễ sử dụng….
Nhờ kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học hàng đầu ngành nông nghiệp, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các cơ quan khuyến nông trên cả nước và các hội quần chúng cũng như bà con nông dân, các dòng sản phẩm, công thức phân bón đa yếu tố NPK được sản xuất tại công ty phân lân nung chảy Văn Điển luôn đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất. Hiện nay công ty đã đưa ra thị trường 64 loại phân bón đa yếu tố NPK dựa theo đặc điểm, yêu cầu của từng vùng, từng loại cây trồng trên toàn quốc, nhất là các vùng sản xuất chuyên canh trong nước như: chè, lúa, cà phê, hồ tiêu, rau quả, canh tác theo phương thức hữu cơ… Nông dân sử dụng phân lân nung chảy và phân đa yếu tố NPK Văn Điển đều mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ nuôi dưỡng cây trồng, phân lân Văn Điển còn bổ sung sự thiếu hụt dinh dưỡng trong đất, cải tạo đất chua, đất phèn, đất bạc màu, đất đồi trọc… nâng cao đồ phì nhiêu bền vững cho đất trồng trọt ở nước ta. Rõ nhất là vùng thâm canh lúa đồng bằng sông Hồng, từ những năm 1995, Hội Nông dân các tỉnh cùng với ngành Khuyến nông đã hướng dẫn nông dân sủ dụng phân bón Văn Điển. Qua nhiều năm sử dụng, tuy không cần bón vôi nhưng đồng ruộng đã bớt chua, ruộng ít phèn và hết cảnh lúa “trẻ mãi không già’ do thiếu lân như trước. Năng suất, chất lượng lúa gạo tăng rõ rệt. Chẳng hạn như Thái Bình – tỉnh nông nghiệp vốn thuần túy lúa nước, năng suất lúa trung bình năm 1966 đạt 5 tấn thóc/ha, năm 1970 đạt 6,1 tấn/ha, năm 1974 đạt 7 tấn và từ năm 1995 đến nay giữ vững năng suất 12-13 tấn/ha.
Vùng chè các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, ngay từ khi mới xây dựng, 2 công ty chè liên doanh Phú Đa và Phú Bền (tỉnh Phú Thọ) đã sử dụng phân bón Văn Điển. Đến nay, hầu hết các vùng chè thâm canh tỉnh Thái Nguyên, Phú Tho, Tuyên Quang, Hà Giang… đều đã sử dụng phân bón Văn Điển. Được cung cấp đầy đủ và cân đối dinh dưỡng đa – trung – vi lượng, cây chè sinh trưởng phát triển khỏe, chè ít sâu bệnh, búp chè lên đều và nhiều búp, búp to. Khi sao chè, chè ít hao, chỉ cần 3,85- 4,2kg búp tươi cho 1kg búp khô, hương vị được cải thiện, nâng cao phẩm chất và thương hiệu chè. Năm 2019, Thái Nguyên đã lựa chọn ra 25 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Điển hình như chè Móc câu (Minh Lập, Đồng Hỷ), Minh tâm trà (Hòa Trung, Đồng Hỷ), Đinh đinh trà (Hà Thượng, Đại Từ), Trà tôm nõn (Phú Lạc, Đại Từ), chè Tôm nõn (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên), Nhất tâm trà (Phúc Trìu, TP Thái Nguyên)…
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển đã không ngừng nghiên cứu, mở rộng sản xuất để đem đến các sản phẩm chất lượng, phục vụ tốt nhất cho ngành nông nghiệp. Đến nay nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hàng trăm quốc gia, trong đó nhiều sản phẩm xuất khẩu như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su… đạt kim ngạch trên 3 tỷ đô la/năm, có thứ hạng cao hàng đầu thế giới. Thương hiệu phân bón Văn Điển liên tục đồng hành cùng nền nông nghiệp nước nhà.
Hiện tại, công suất sản xuất của Công ty đã đạt 450.000 tấn/năm, trong đó có 300.000 tấn phân lân nung chảy và 150.000 tấn phân NPK. Sản phẩm của Công ty có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường nên được tiêu thụ rộng khắp trên toàn quốc. Đến nay, sản phẩm đã được lưu hành trên cả nước: Miền Bắc khoảng 30 – 35%, miền Nam khoảng 30 – 35%, miền Trung – Tây Nguyên khoảng 35 – 40%. Công ty còn dành khoảng 10% tổng sản lượng sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước và khu vực có yêu cầu khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan, Malaysia…
Phân bón Văn Điển có nguồn gốc hoàn toàn từ quặng khoáng thiên nhiên, công nghệ thân thiện với môi trường, nên đã chinh phục được những thị trường khó tính
như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia….
Phân lân nung chảy được tạo ra từ công nghệ Tecmo
Công nghệ nhiệt (Tecmo) không dùng hóa chất mà dùng nhiệt cao làm thay đổi kết cấu vật lý trong quặng thành lân nung chảy. Phân lân nung chảy còn có tên gọi khác: phân lân thủy tinh, phân lân calci magnesi, Fused Calcium Magnesium Phosphate (FMP), Calcium Magnesium Phosphate (CMP). Phân lân nung chảy có màu ghi hoặc xám, điểm độc đáo là phân không tan trong nước, nhưng tan đến 98% trong môi trường đất và dịch của rễ cây. Phân có tính kiềm (pH=8) nên có tác dụng khử chua cải tạo đất, thân thiện với môi trường. Phân lân nung chảy đặc biệt phù hợp với các vùng đất chua, trũng hoặc đất đồi núi dốc.
Bài: Trọng Hòa – Nam Phong Ảnh tư liệu VADFCO
Thiết kế: Chu Hồng Châu
Nguồn : tapchinongthonmoi.vn
Bài viết liên quan
Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu cho người dân sau bão
Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu...
Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển: Khẳng định vị thế mới với Giải thưởng “The best Of Vietnam 2024”
Hành trình phát triển và những dấu ấn nổi bật Công ty Cổ phần...
TVC giới thiệu các sản phẩm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Thực hiện kế hoạch của Tổng giám đốc Tập đoàn về việc tổ chức...