VINACHEM sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ

Trước câu chuyện doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang gặp khó khăn bởi chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho mặt hàng phân bón (NTNN số ra ngày 27.12 đã thông tin), VINACHEM sẽ làm việc với Bộ Tài Chính và kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Đây là thông tin mới mà ông Bùi Thế Chuyên – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn  Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) trao đổi với phóng viên NTNN.

Thưa ông, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có ý kiến trái chiều xung quanh chính sách miễn thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón. Là một tập đoàn có nhiều đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực phân bón, VINACHEM đánh giá vấn đề này như thế nào?

– Chúng tôi thực sự rất lo lắng, trong những ngày qua Tập đoàn đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các đơn vị sản xuất phân bón thành viên. Họ cho biết việc phân bón từ chỗ thuộc diện áp dụng thuế GTGT thuế suất 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và tác động tới cả nông dân.

VINACHEM sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ

VINACHEM sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ

Từ góc độ Tập đoàn, ông có thể phân tích rõ chính sách này có tác động của tới DN và nông dân như thế nào?

– Đầu tiên là mất lợi thế cạnh tranh của DN, các DN sản xuất phân bón trong nước sẽ bất lợi trước phân bón nhập khẩu, bởi các sản phẩm phân bón nhập khẩu sẽ không phải chịu thuế  GTGT  trong khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước (đặc biệt là các đơn vị sản xuất phân đạm ure, DAP, lân) phải chịu thuế giá trị gia tăng đối với vật tư, nguyên liệu đầu vào (đa số là ở mức 10%) nhưng lại không được khấu trừ nên chi phí sản xuất các loại phân bón này sẽ tăng.

Như vậy, khi không áp dụng thuế GTGT đối với phân bón thì giá thành phân bón nhập khẩu giảm trong khi giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng, tạo sân chơi không bình đẳng trong cạnh tranh và bất lợi thuộc về các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Như thế vô hình trung, chúng ta làm cho hàng ngoại tràn vào trong nước nhiều hơn, mạnh hơn, điều đó chưa chắc nông dân được hưởng lợi, nhưng chắc chắn DN trong nước sẽ dần bị “chết” ngay trên sân nhà.

Hiện nay trong nước sản xuất phân urê cũng đã dư thừa rồi. 4 nhà máy gồm đạm Hà Bắc, Ninh Bình, Phú Mỹ, Cà Mau sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn/năm, trong lúc đó nhu cầu sử dụng trong nước là 2,3 triệu tấn/năm, tức sản xuất trong nước dư thừa 300.000 tấn, đó là chưa tính phân ure  nhập khẩu không dưới 500.000 tấn/năm, mà sắp tới có thể sẽ tăng lên nữa, như vậy sản xuất trong nước sẽ dư thừa tối thiểu khoảng 800.000 tấn/năm. Phân bón dư thừa, cộng với việc mất lợi thế cạnh tranh, DN trong nước sẽ rất khó để tồn tại.

Trong những năm qua, mặc dù kinh tế rất khó khăn nhưng nhà nước vẫn chủ trương để các doanh nghiệp trong nước (100% là doanh nghiệp nhà nước) đầu tư sản xuất phân bón ure nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Thực tế những năm qua các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã làm được việc đó, giúp Chính phủ điều tiết cung cầu về phân bón khi thị trường phân bón thế giới có biến động lớn về cung cầu. Nếu chúng ta không giữ được mục tiêu này, để phân bón nhập ngoại lấn lướt phân bón sản xuất trong nước thì có lúc nào đó chúng ta sẽ bị phụ thuộc và Chính phủ không thể điều tiết được thị trường phân bón trong nước, trước nhất là người nông dân chịu thiệt hại và an ninh lương thực quốc gia bị đe dọa.

Còn đối với người tiêu dùng là nông dân, giảm thuế GTGT, nếu đúng như các nhà làm luật kỳ vọng, nông dân sẽ hưởng lợi chứ?

– Về phía người tiêu dùng, chưa chắc đã được hưởng lợi như mục đích của Luật số 71 đưa ra. Bởi vì chi phí sản xuất phân bón của DN trong nước sẽ tăng lên. Khi đó lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân đều bị ảnh hưởng.

Đến thời điểm này các đơn vị sản xuất phân bón trong Tập đoàn VINACHEM đã có những tính toán cụ thể thiệt hại nào chưa khi chính sách thuế mới được áp dụng? 

– Chưa biết thiệt hại thế nào nhưng khó khăn là chắc chắn. Trong trường hợp không được khấu trừ nếu miễn thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều gặp khó khăn.

Thứ nhất là giá thành sản xuất phân bón tăng: Trong Tập đoàn VINACHEM, có hai đơn vị sản xuất phân đạm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Nhà máy đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, vì hai đơn vị này sử dụng 60-70% chi phí cho mua than. Tiếp sau 2 nhà máy này có nhà máy DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai; thứ ba có nhóm phân lân chế biến gồm Supe Lâm Thao, Lân Văn Điển, Lân Ninh Bình… Theo tính toán sơ bộ, giá thành sản phẩm của các loại phân bón này sẽ tăng từ 7 – 8%. Năm 2015, sản lượng phân bón ure của Tập đoàn khoảng 900 nghìn tấn, phân DAP khoảng 500 nghìn tấn và khoảng 1,1 triệu tấn phân lân chế biến thì tổng chi phí tăng thêm khoảng 700 tỷ đồng vì không được hoàn thuế GTGT đầu vào. Nếu tính thêm sản lượng 2,4 triệu tấn NPK do các đơn vị thuộc Tập đoàn sản xuất thì chi phí tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thứ hai là xử lý sản phẩm, vật tư tồn kho đến 01.01.2015 là khó khăn: Vì sản xuất phân bón có tính thời vụ cao nên các doanh nghiệp phải chuẩn bị trước lượng vật tư, nguyên liệu rất lớn và sản phẩm lưu kho để chờ vụ rất lớn. Các loại này đều đã chịu thuế GTGT đầu vào trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa có hướng dẫn xử lý tồn tại này.

Tập đoàn VINACHEM sẽ có những đề xuất kiến nghị nào về vấn đề này, thưa ông?

– Để có thể giảm giá bán phân bón, giảm chi phí sản xuất cho nông dân, Tập đoàn cùng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã trao đổi, thống nhất và trong tháng 11 năm 2014, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giảm thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón từ mức 5% về mức 0%. Tới đây, Tập đoàn sẽ có văn bản kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan theo hướng tiếp tục áp dụng thuế GTGT đối với phân bón với mức thuế suất là 0%. Như vậy mới giải quyết được những tồn tại nêu trên và đạt mục tiêu giảm giá bán phân bón cho nông dân.

Xin cảm ơn ông!

Đình Thắng (thực hiện) (Dân Việt)

Bài viết liên quan

Thư mời báo giá “Cung cấp vật tư sắt thép” cho Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển

– Xin mời quý vị nhấn vào link sau để đọc tài liệu : Thư...

Thư mời báo giá cung cấp phân đạm Cà Mau

– Xin mời quý vị nhấn vào link sau để đọc tài liệu :  Thư...

Thư mời báo giá “Cung cấp vật tư sắt thép” cho Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển

– Xin mời quý vị nhấn vào link sau để đọc tài liệu : Thư...

BCTC quí III và 9 tháng 2024

– Xin mời quý vị nhấn vào link sau để đọc tài liệu : Bao...