Bón phân gì để mạ vụ mùa khoẻ mạnh ngay từ thuở “thiếu niên”?

    Ví như đứa trẻ đến hồi 5-6 tháng tuổi bắt đầu được cho ăn dặm, cây mạ vụ mùa (gieo để cấy) cần được chăm sóc, bón phân phù hợp. Bón phân Văn Điển cho mạ mùa sẽ tạo môi trường kiềm hoặc trung tính trong vùng rễ mạ, giúp bộ rễ mạ sinh trưởng tốt sẽ có cây mạ khỏe mạnh ngay từ thời “niên thiếu” của cây lúa.

Nông dân huyện Vũ Thư (Thái Bình) nhổ mạ cấy vụ mùa. Ảnh minh hoạ – Cảnh Nguyên

    Nhằm cung cấp thêm kiến thức cho bà con nông dân chăm mạ vụ mùa, Làng Mới xin giới thiệu bài viết kỹ thuật có tham khảo kinh nghiệm của kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình – một chuyên gia có uy tín lâu năm về hướng dẫn sử dụng phân bón cho cây lúa.

    Theo kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa có thể chia làm 2 giai đoạn chính: Sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực. Sinh trưởng sinh dưỡng được tính từ lúc gieo hạt thóc giống xuống đất đến khi cây lúa đẻ nhánh tối đa, chuẩn bị bước sang giai đoạn đứng cái, làm đòng. Giai đoạn sinh dưỡng có thể được phân làm 3 thời kỳ: Mạ, lúa non và đẻ nhánh.

    Thời kỳ đầu, mạ được tính từ lúc hạt giống nảy mầm đến khi cây có 2,5-3 lá thật, khi chất dinh dưỡng trong hạt thóc giống không còn. Từ lúc gieo đến khi ra được 2,5- 3 lá thật tốc độ hình thành các lá đầu tương đối nhanh, trung bình khoảng 4 ngày ra 1 lá; rễ phôi cũng phát triển và hình thành vài lứa rễ đầu tiên nhưng số lượng rễ chưa nhiều. Thời kỳ này cây mạ cơ bản sống bằng dinh dưỡng từ hạt gạo, y như đứa trẻ đang bú sữa mẹ. Do vậy, thời kỳ này chưa cần thiết phải bón phân cho mạ. Cây mạ còn nhỏ, yếu, khả năng chống chịu kém, nên để cho cây mạ sinh trưởng thuận lợi sau khi gieo cần giữ đủ ẩm cho mạ, tránh bị ngập hoặc khô hạn.

    Thời kỳ thứ 2, cây lúa non có thể tính từ sau cây mạ đến khi lúa bắt đầu đẻ nhánh. Từ lúc này cây lúa non sử dụng dinh dưỡng từ môi trường để sống, cần‎ chăm sóc, bón thúc cho cây con phát triển. Chiều cao cây, kích thước cây lúa tăng mạnh, có thể ra được 4 – 5 lứa rễ, khả năng chống chịu cũng tăng lên.

    Muốn lúa tốt, cây mạ phải khoẻ mạnh

    Trong sản xuất thông thường khi cây lúa còn nằm trên ruộng mạ thì đều được gọi là cây mạ. Do vậy, tùy phương thức gieo cấy mà thời kỳ cây mạ và kỳ lúa non (cây con) được tách ra hoặc giao thoa nhau.

– Nếu gieo thẳng (gieo vãi) thì cây mạ đang sinh trưởng trên ruộng lúa. Do vậy, khi cây con được 2,5-3,0 lá tuổi là phải bón thúc cho lúa.

– Nếu gieo mạ khay cấy máy hoặc gieo mạ nền cứng vụ mùa chỉ 7-10 ngày là cây mạ đã được  2,5-3,0 lá tuổi, cần thiết phải đưa ra ruộng thì không cần bón phân cho mạ.

– Để có cây mạ cao, to, cấy được trên ruộng trũng, ruộng sâu màu, nước lớn… phải gieo mạ dược. Nếu gieo mạ rút, mạ dày xúc thì cũng phải được 15-18 ngày, thậm chí 20 ngày, khi cây lúa non đã có 4-5 lá tuổi. Nếu cấy các giống lúa dài ngày phải gieo mạ nhổ, phải gieo mạ trên 25 ngày tuổi, đạt trên 6-7 lá tuổi mới nhổ cấy được. Như vậy, cây mạ đương nhiên bao gồm cả 2 kỳ sinh trưởng là cây mạ và cây lúa non. Trường hợp này phải bón phân cho cây mạ.

    Trong nghề trồng lúa nước, cây mạ có ý nghĩ rất quan trọng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa “tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”. Chăm sóc cho mạ tốt, mạ khoẻ giúp cho cây lúa khi cấy chóng hồi xanh, khả năng đẻ nhánh tốt, tạo điều kiện cho các giai đoạn sinh trưởng phát triển sau này thuận lợi… Thời kỳ mạ và cây con, bộ rễ phát triển kém, cây nhỏ, chống chịu kém. Khi cây lúa non phải tự hấp thụ dinh dưỡng từ đất thì cần sự cân đối dinh dưỡng đa lượng theo hướng đủ lân, kaly và đạm để rễ cây khỏe, cho cây mạ khỏe. Biểu hiện cây mạ khỏe là cây mạ có thân cứng (to dảnh), lá đứng, bản lá to, ngắn (chiều dài phiến lá gần gấp rưỡi chiều dài bẹ lá), màu xanh sáng. Nếu tăng đạm, cây mạ cao hơn, lá mỏng, dài và xanh mềm…, tuy to nhưng sức chống chịu kém, vụ mùa khi cấy gặp nắng nóng, lúa mới cấy chết dảnh nhiều hoặc lúa chậm hồi xanh, đẻ kém và đẻ lai rai.

    Theo khuyến cáo của kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh, để tránh phải tính toán phức tạp, bà con nông dân có thể sử dụng ngay một số sản phẩm đã được thiết kế đủ chất dinh dưỡng dành riêng cho bó lót, hoặc bón thúc lúa. Đó là phân bón đa yếu tố (ĐYT) “Lúa 1”, hoặc các loại phân bón ĐYT NPK Văn Điển chuyên bón lót lúa để bón lót cho mạ, và phân ĐYT “Lúa 2” hoặc các loại  ĐYT NPK Văn Điển chuyên bón thúc lúa để bón thúc mạ có thể cung cấp đầy đủ và cân đối các dinh dưỡng đa, trung, vi lượng, giúp cây mạ tốt, khỏe. Đây là những sản phẩm rất tốt của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển sản xuất.

Phân đa yếu tố NPK 8.8.4 (lúa 1) của Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển. Ảnh tư liệu

Công thức bón phân, chăm sóc cho mạ mùa

    Ngay khi cây mạ xuất hiện lá thứ nhất hoàn chỉnh, nếu được bổ sung dinh dưỡng thì cây mạ tốt hơn, cũng có thể ví như các cháu nhỏ  mới 5-6 tháng tuổi đã được ăn dặm. Thực ra khi cây có rễ trắng, có khả năng hút nước thì cũng có khả năng tiết acid để hòa tan phân bón và hấp thu dinh dưỡng; rễ nhỏ, yếu thì tiết acid chưa nhiều nên hấp thu dinh dưỡng ít; khi bộ rễ khỏe sẽ tiết acid nhiều hơn và như vậy sẽ hấp thu dinh dưỡng nhiều hơn. Như vậy, có thể bón phân cho mạ dược như sau:

– Bón lót: sau khi bừa kỹ, lên luống gieo mạ và làm phẳng mặt luống (vụ mùa nên làm mặt luống phẳng, hơi dốc sang 2 bên mép luống dạng mui rùa), sau khi đã ráo hết nước thì vãi đều phân đa yếu tố “Lúa 1” hoặc dạng khác phân bón lót lúa Văn Điển với lượng khoảng 0,5 kg/20m2  mạ, sau đó dùng khúc nứa hoặc ống nhựa dài gạt đi gạt lại cho lầm phân và ráo nước rồi gieo mạ. Vụ mùa nên gieo mộng mạ nông, nổi trên mặt luống mạ. Nếu hạt mộng mạ bị gieo chìm, gặp nắng nóng dễ bị thối mộng và chết mạ.

– Chăm sóc mạ: Sau gieo cần giữ đủ ẩm cho mạ ngồi, mạ mũi chông. Khi mạ có 2 lá thật hoàn chỉnh, nên bón tro bếp cho mạ. Nếu chưa được bón phân lót thì lúc này có thể đảo đều tro bếp với 0,2-0,3kg phân ĐYT NPK 12:5:10 hoặc “Lúa 2” rắc đều cho  20m2 mạ. Sau đó luôn giữ nước xâm xấp chân mạ vừa mềm đất, vừa hướng cho bộ rễ ăn nông để dễ nhổ mạ.

    Tóm lại, nếu gieo thẳng (gieo vãi) hoặc các phương thức gieo mạ cấy khi cây mạ đạt 2,5-3 lá tuổi thì không cần bón phân cho mạ. Nếu gieo mạ để cấy khi cây mạ có nhiều hơn 4 lá tuổi thì nên bón phân cho mạ. Việc bón phân Văn Điển cho mạ mùa sẽ tạo môi trường kiềm hoặc trung tính trong vùng rễ mạ, giúp bộ rễ mạ sinh trưởng tốt sẽ có cây mạ khỏe, to gan, đanh dảnh, sau cấy chóng hồi xanh và đẻ nhanh, đẻ nhiều từ những mắt đốt đầu tiên, tạo cho ruộng lúa nhiều bông to, hạt mảy.

Nguồn : Langmoi.vn

Bài viết liên quan

Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu cho người dân sau bão

Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển ủng hộ 75 triệu...

TVC giới thiệu các sản phẩm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Thực hiện kế hoạch của Tổng giám đốc Tập đoàn về việc tổ chức...