Nếu bạn muốn ăn rau củ quả sạch, tất yếu cần đến quy trình canh tác an toàn. Và nếu đã có giống tốt, người nông dân không quá khó để hướng tới điều đó với phân bón Văn Điển – sản phẩm phân bón có nguồn gốc từ phân khoáng, tiết kiệm và thân thiện với môi trường.
Ở các tỉnh phía Bắc, vụ Đông được xem là vụ thứ 3 trong năm, sau vụ lúa Xuân và lúa Mùa. Đây là vụ chủ yếu sản xuất rau màu, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân.
Trong hơn 20 năm qua, ngành trồng trọt nước ta lạm dụng phân hóa học quá mức, trong khi dùng phân hữu cơ quá ít, làm hạn chế năng suất cây trồng, sâu bệnh hại ngày càng tăng. Nguy hại lâu dài hơn là làm đất bị thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước và không khí. Mặt trái của phân hóa học như các nhà khoa học đã cảnh báo: Nếu loại phân bón được chế biến quá đậm đặc như Ure, DAP, MAP… thì các chất dinh dưỡng khác bị loại trừ hết. Sau nhiều năm sử dụng cho cây trồng, sẽ nảy sinh hiện tượng đất bị mất cân đối dinh dưỡng, thiếu hụt nhiều chất trung vi lượng trong đất. Nếu sử dụng phân bón có chứa nhiều thành phần phụ độc hại, sau nhiều năm sẽ tích lũy lại trong đất có thể gây ngộ độc cho cây. Trong khi đó, mục tiêu phát triển sản xuất phải đảm bảo an toàn cả cho người sản xuất và người tiêu dùng trong và ngoài nước thì con đường kinh tế nhất, khoa học nhất là hạn chế sử dụng phân hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân khoáng thiên nhiên thân thiện môi trường để làm ra sản phẩm sạch và an toàn.
Phân khoáng – sản phẩm thân thiện với môi trường
Nhận định về phân bón Văn Điển, Tiến sĩ Nguyễn Tử Siêm – một chuyên gia đầu ngành về khoa học đất Việt Nam – đánh giá: “Phân lân Văn Điển không phải là phân hóa học, nguyên liệu sử dụng hoàn toàn là quặng khoáng thiên nhiên; phương pháp chế biến bằng vật lý nhiệt, tuyệt đối không dùng hóa chất. Vì vậy sản phẩm này rất phù hợp với canh tác nông sản sạch an toàn theo hướng VietGAP và GlobalGAP . Nhiều nước trên thế giới và tổ chức quốc tế đã xếp phân lân Văn Điển là loại phân khoáng cho nông nghiệp thân thiện môi trường”.
Cũng nhận xét về phân lân Văn Điển, GS.TS Nguyễn Huy Phiêu – một chuyên gia có uy tín cao trong ngành hoá học cũng cho rằng: “ Phân lân nung chảy Văn Điển là loại phân tính kiềm, không tan trong nước nhưng tan được trong dung dịch axit citric 2% nên cây trồng có thể hấp thu được, mà không bị cố định lân trong nước, an toàn về môi trường sinh thái. Ngoài ra, cac yếu tố canxi, magie, silic hòa tan giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng kháng được một số loại bệnh hại, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản”. Phân nung chảy Văn Điển kết hợp với đạm ure, kali Canada và một số dinh dưỡng vi lượng khác theo nhiều công thức để sản xuất ra các sản phẩm phân đa yếu tố (ĐYT) NPK phù hợp với mọi cây trồng trên nhiều loại đất.
Những năm gần đây, nông dân các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định… đã quen dùng phân ĐYT NPK 5:10:3 (5%N, 10%P2O5, 3% k2O, 15% CaO, 9% MgO, 14% SiO, 2% S và các chất vi lượng khác. Fe, Zn, Cu, B, Co, Mn…) bón lót cho các loại cây trồng và phân đa yếu tố NPK 12:5:10 (12%N, 5%P2O5, 10% K2O, 5% CaO, 2% MgO, 4% SiO, 11%S và các chất vi lượng khác. Fe, Zn, Cu, B, Co, Mn…) bón thúc cho các loại cây trồng đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển có bổ sung thêm một số sản phẩm phân bón mới như ĐYT NPK 10:7:3 dùng bón lót và ĐYT NPK 13:3:10, 13:3:13 hay 12:7:20 dùng bón thúc cho các loại rau màu và cây ăn quả. Những sản phẩm này đặc biệt phát huy hiệu lực cao cho cây trồng cạn ngắn ngày.
Cách bón phân Văn Điển cho rau màu ở các tỉnh phía Bắc
Bón lót: Mỗi sào Bắc bộ (360m2) bón khoảng 2-3 tạ phân hữu cơ ủ mục và khoảng 20-25kg phân ĐYT NPK 5:10:3 hoặc 10:7:3.
Phân hữu cơ nên rải ra ruộng trước khi bừa. Sau lên luống mới rải phân đa yếu tố NPK chuyên bón lót trên mặt luống, đảo đều phân với lớp đất mặt, làm phẳng mặt luống rồi gieo, trồng cây con. Những loại cây phải trồng thưa, khoảng cách rộng như dưa, bầu bí, khoai tây… có thể bón phân theo hốc.
Riêng với các loại cây dưa, bầu, bí, mướp… vì bộ rễ chủ yếu ăn ngang, nên bón phân lót ngay vào hốc. Rải đều NPK xung quanh vị trí đặt bầu (bón kiểu vành rế), bón phân chuồng ủ mục lên trên rồi lấp đất phủ kín phân. Có thể rẽ lúa đặt bầu hoặc gặt xong, cày úp 2 xá cày rồi đặt bầu. Trồng khi cây con được 2-3 lá , bầu đặt nông rồi vun đất, ấn nhẹ rồi tưới nước cho liền thổ. Mỗi luống rộng 4,5-5m, trồng 2 hàng cách mép luống 30-40cm, cây cách cây 25-30cm, nếu làm bầu to, mỗi bầu 2 cây thì trồng hốc cách hốc 50-60cm.
Nếu trồng ngô bằng cây con trong bầu thì sau khi đặt bầu, trộn khoảng 20-25kg phân ĐYT NPK 5:10:3 hoặc 10:7:3 với đất bột và 200-300kg phân hữu cơ ủ mục, rải vây kín bầu, sau đó lấp đất.
Nếu gieo ngô gốc rạ hoặc cấy mạ ngô thì khi cây 1,5-2 lá bón phân hữu cơ và NPK chuyên bón lót xung quanh gốc cây, cách gốc 3-5cm rồi xới đất tạo rãnh và vun gốc kín phân.
Bón thúc:
– Để cây con mới trồng nhanh bén rễ, hồi xanh và ra lá mới, tuần đầu sau trồng cần tưới thúc liên tục 2-3 ngày/ lần, mỗi lần tưới hòa thêm 1 thìa to đạm cho 1 thùng 10 lít. Nếu có phân lân ngâm nước giải, nước phân chuồng 1-2 ngày rồi hòa loãng tưới thêm đạm thì rất tốt. Dặm các cây mất khoảng ngay trong tuần đầu.
Với cây ngô, rau, đỗ đậu…: Mỗi sào Bắc bộ (360m2) bón 10-12kg; thâm canh cao có thể bón 15-20kg ĐYT NPK 12:5:10, 13:3:10. Bón thúc ngô vào 2 đợt: Khi ngô 5-6 lá và khi lác đác có cây xoáy nõn loa kèn (khi ngô 11-12 lá). Bón vào khoảng giữa 2 cây hoặc giữa 2 hàng ngô, vét đất dưới rãnh lấp kín phân.
Với cây dưa, bí, ớt, hành tỏi, tùy mức độ thâm canh và lượng phân đã bón lót mà tính lượng phân bón thúc khoảng 30-35 hoặc 45-55kg/sào.
Các cây họ bí giai đoạn cây có 5-6 lá và ngả ngọn bò, nhà nông cần bón thúc mỗi sào 7-10kg ĐYT NPK phân chuyên thúc để thúc cây vươn lóng và ngoi ngọn. Bón xa gốc 15-20cm, xới nhẹ kết hợp vun gốc. Giai đoạn quả non, mỗi sào cần bón thúc thêm 7-10kg ĐYT NPK chuyên thúc để nuôi quả và lấy lứa hoa tiếp theo.
Với khoai tây, việc bón phân Văn Điển cần kết thúc trước 45 ngày sau trồng. Sau mỗi lân bón phân phải kết hợp vun luống; lần 1 vun đè dây, lần 2 vun cao luống tạo điều kiện cho tia củ phát triển.
Một số lưu ý
Các sản phẩm phân bón ĐYT NPK Văn Điển nên được chăm bón sớm và được vùi lấp trong đất sẽ phát huy hiệu lực phân bón và nâng cao chất lượng nông sản.
Để cây trồng nhanh hấp thụ dinh dưỡng, cả khi đất ướt hoặc đất khô, có thể ngâm phân ĐYT NPK 12:5:10, 13:3:10 khoảng 15-20 phút rồi hòa loãng tưới xa gốc cây.
Khi ngô 3-4 lá cần được đủ dinh dưỡng. Kinh nghiệm hay từ nhiều gia đình thâm canh ngô là ngâm phân lân Super tecmo với nước giải, nuớc phân chuồng, nước hố tự hoại… rồi pha loãng với ure để tưới.
Khi dây bí dài 50cm, dùng đất chặn ngang đốt, cách 1-2 đốt lại chặn để tranh thủ cho cây bí ra rễ bất định, tăng khả năng thu hút chất dinh dưỡng nuôi quả sau này, cứ 3-4 ngày lại chặn 1 lần, hướng ngọn bí ở hàng này bò sang hàng kia. Sau đó rải rơm rạ vừa để tránh lật dây, vừa để tránh quả tiếp xúc trực tiếp với đất. Nếu tranh thủ thu hoạch bí non đầu vụ thì sau đó bón thêm 3-5kg ĐYT NPK 12:5:10 hoặc NPK 12:8:12.
Phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển, cả dạng trộn và dạng viên đều thích hợp với cac loại cây màu vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc. Qua nhiều năm sử dụng phân bón Văn Điển cho cây màu trên đất 2 lúa không chỉ ở Thái Bình mà cả các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định…, bà con nông dân đều ghi nhận hiệu quả rất tốt: Cây trồng sinh trưởng khỏe, phát triển tốt, thân cứng, lá dày, màu xanh sáng, ít đổ gãy, ít sâu bệnh hại và cho năng suất, chất lượng cao; hơn nữa, sau nhiều vụ sản xuất liên tục sử dụng phân bón Văn Điển nhưng đất không bị chai cứng, cằn cỗi mà ngược lại đất lại tơi xốp hơn, nhiều mùn giun hơn. Năng suất cây màu vụ Đông đạt năng suất cao, chất lượng tốt, ít tốn công lao động, ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
*) Tìm mua phân bón chất lượng cao quý khách hàng vui lòng truy cập , liên hệ theo đường link sau :
↔ Bảng giá sản phẩm : https://vandienfmp.vn/bang-gia-phan-bon
↔ Liên hệ mua hàng : Đại Lý Bán Hàng
↔ Điện thoại : 023.688.4489, 023.688.5174 Fax: 023.688.4277
Trọng Hòa – Nam Phong
Nguồn : Langmoi.vn